Vĩnh Long: Triển khai Nghị quyết năm 2024 của Tỉnh ủy và các văn bản của Trung ương
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện ba khâu đột phá chiến lược.
TTXVN - Ngày 3/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết năm 2024 của Tỉnh ủy và các văn bản của Trung ương.
Tại Hội nghị, các đại biểu được triển khai, quán triệt các nội dung: Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; triển khai Nghị quyết năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long; Quy định số 788-QĐ/TU ngày 18/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long....
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế cho biết, năm 2024, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và các giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng 6,5%. GRDP bình quân đầu người đạt 83,7 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt hơn 5.947 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.000 tỷ đồng…
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, về kinh tế, tỉnh tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch trọng điểm. Về xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường xây dựng chính quyền địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, điều hành của UBND các cấp, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính, quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, là việc sử dụng các cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án được thực hiện theo 6 nguyên tắc. Trong đó, việc kiểm soát nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc kiểm soát, bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Việc kiểm soát còn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ./.
- Từ khóa:
- Vĩnh Long
- triển khai Nghị quyết