Với những hỗ trợ của các cấp Hội Người mù trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các hội viên học nghề hầu hết có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện.
TTXVN - Trước những hỗ trợ của các cấp Hội Người mù trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhiều người khiếm thị đã được tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Vượt khó vươn lên
Chị H’Gương Bkrông (xã Ea Na, huyện Krông Ana) có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bị mù, không có nghề nghiệp, chị luôn mặc cảm với mọi người. Năm 2014, Hội Người mù huyện Krông Ana thành lập, chị được cán bộ Hội vận động tham gia sinh hoạt. Đến năm 2016, chị được Hội động viên đưa đi học chữ nổi. Sau khi biết chữ, chị được tạo điều kiện cho học nghề xoa bóp bấm huyệt miễn phí ở tỉnh Khánh Hòa. Kết thúc khóa học 3 tháng, chị H’Gương được cấp bằng chứng nhận và tìm được việc làm tại một cơ sở xoa bóp bấm huyệt trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.
"Từ khi biết chữ, tôi thấy tự tin hơn. Tôi có thể đọc sách, truyện chữ nổi và hiểu hơn về đời sống của những người cùng cảnh ngộ để phấn đấu. Nghề xoa bóp đã giúp tôi tự nuôi sống được mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội", chị H’Gương chia sẻ.
Vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên, chị H’Gương đã thay đổi từ một người nhút nhát trở nên tự tin bước ra ngoài xã hội. Năm 2018, chị tìm được "một nửa" của mình. Giờ đây, vợ chồng chị đã có một gia đình hạnh phúc cùng những đứa con.
Anh Nguyễn Kim Sương (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) không may bị mù từ nhỏ. Không thể nhìn thấy ánh sáng như bạn bè đồng trang lứa nhưng anh rất ham học. Gia đình cho anh đi học chữ nổi từ năm 11 tuổi và học văn hóa tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (thành phố Buôn Ma Thuột). Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, anh luôn nỗ lực phấn đấu vượt lên số phận. Năm 2003, anh xin tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù thành phố Buôn Ma Thuột. Đến năm 2005, nhận thấy nghề xoa bóp bấm huyệt bắt đầu phát triển, anh quyết định đi Thành phố Hồ Chí Minh theo học lớp xoa bóp bấm huyệt 6 tháng dành cho người mù. Sau nhiều năm làm nghề, tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2016, anh được Hội Người mù thành phố Buôn Ma Thuột hỗ trợ cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Cùng số tiền tiết kiệm, anh mạnh dạn mua trang thiết bị mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại nhà; truyền nghề và đào tạo việc làm cho những người khiếm thị có nhu cầu.
"Sau hơn một năm hoạt động, cơ sở đã có lượng khách ổn định. Hiện, cơ sở đang hoạt động với 10 giường bấm huyệt, 2 phòng xông hơi, với tổng mức thu chưa trừ chi phí khoảng 20 triệu đồng/tháng. 5 nhân viên khiếm thị có chứng chỉ hành nghề, mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng", anh Sương chia sẻ. Dự định sắp tới của anh là mở rộng thêm cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại các huyện để tạo điều kiện và giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ có việc làm ổn định.
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Lắk Lê Hữu Niên, nhiều hội viên giàu nghị lực đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Được Hội giới thiệu vào các cơ sở xoa bóp bấm huyệt để học nghề, khi tay nghề cứng, nhiều người đã tự mở cơ sở riêng để tạo việc làm cho bản thân và giúp đỡ cho những người mù khó khăn khác. Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có nhiều cơ sở xoa bóp bấm huyệt, mặc dù còn nhỏ lẻ, manh mún, nhưng khi các hội viên mở cơ sở, thu nhập cao hơn. Nhiều mô hình đã có hiệu quả.
Nhiều biện pháp hỗ trợ
Ông Nguyễn Thế Đức, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, Hội có 119 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 45% người trong độ tuổi lao động. Hầu hết các hội viên trong độ tuổi lao động đều được học nghề, truyền nghề, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế… với các nghề phổ biến như xoa bóp bấm huyệt, làm chổi, tăm tre… Sau khi được đào tạo nghề, phần lớn học viên đều có việc làm, thu nhập ổn định. Đến nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã có 13 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên đứng ra tổ chức, tạo việc làm cho 43 người mù. Trong 5 năm (từ năm 2018 - 2023), Hội đã tiêu thụ 57.000 gói tăm tre, 37.000 cây chổi đót với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Đời sống hội viên được nâng lên. Toàn Hội không còn hội viên đói, tỷ lệ hội viên nghèo năm 2023 chỉ còn 6,2%.
"Ban Chấp hành Hội Người mù thành phố Buôn Ma Thuột thường xuyên khảo sát tình hình đời sống hội viên, từ đó nắm bắt kịp thời những khó khăn của từng gia đình hội viên. Hội tuyên truyền về các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo" ông Nguyễn Thế Đức chia sẻ.
Là địa phương có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, người mù sống rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, theo Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Ana Nguyễn Văn Sơn, công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức được xác định là nhiệm vụ quan trọng phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Ban Chấp hành Hội kết hợp lãnh đạo địa phương thường xuyên xuống từng gia đình hội viên tuyên truyền để hội viên và gia đình hiểu được ý nghĩa của việc học chữ, học nghề. Nhờ đó, đến nay, nhiều hội viên giàu nghị lực đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống đạt được nhiều thành tích; có hội viên được Trung ương Hội biểu dương hội viên tiêu biểu…
Hội Người mù tỉnh Đắk Lắk hiện đang quản lý 534 hội viên với 4 cơ sở Hội trực thuộc. Các cấp Hội trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn giúp hội viên cải thiện đời sống. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người mù ngày càng được nâng lên, người mù chủ động hơn trong học tập và việc làm của mình, tự tin trong cuộc sống.
Giai đoạn 2018 - 2023, Hội Người mù tỉnh đã lập 20 dự án, giải quyết việc làm cho 90 lượt hội viên, thu hút gần 270 lao động tham gia với số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Hầu hết các dự án tập trung vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ…, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo. Các hội viên đã mở được 19 cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm cho 72 hội viên với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở hàng năm thu hút trên 120.000 lượt khách đến xoa bóp, phục hồi sức khỏe, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Các tổ nhóm gia công tăm tre với số lượng bán ra gần 150.000 gói, hơn 41.000 cây chổi đót, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội giảm từ 17,5% xuống còn 13,4%.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đắk Lắk Lê Hữu Niên cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội là tập hợp, phát triển hội viên, cho vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề, truyền nghề, dạy chữ, tuyên truyền văn hóa, giáo dục để hội viên tham gia thực hiện. Qua chương trình, Hội đã giới thiệu những hội viên tích cực tham gia học nghề. Đến nay, các hội viên học nghề hầu hết có việc làm, thu nhập ổn định; có hội viên có tay nghề cao, đời sống được cải thiện.
Theo chức năng, nhiệm vụ của Hội là phát triển tổ chức Hội, phát triển hội viên, tuy nhiên, công tác này gặp nhiều khó khăn. Hiện còn 11 huyện chưa có tổ chức Hội. Vì vậy, việc tiếp cận người mù tại những nơi này còn khó. Nhiều người khiếm thị chưa sẵn sàng hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra,tỉnh Đắk Lắk chưa có cơ sở dạy chữ, dạy nghề đào tạo việc làm…
Hội Người mù tỉnh mong muốn chính quyền có sự quan tâm hơn nữa, chung tay hỗ trợ để Hội thực hiện các chương trình trợ giúp người khiếm thị trên địa bàn, đặc biệt trong việc hình thành các cơ sở sản xuất tập trung để tạo việc làm, giúp người mù phấn đấu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng./.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- đời sống
- người khiếm thị
- xoa bóp bấm huyệt