Văn hóa

Chuyển đổi số - bước phát triển đột phá trong hoạt động thư viện: Bài 1: Những dấu ấn tích cực

Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, tài nguyên thông tin gia tăng nhanh chóng, chuyển đổi số trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trong hoạt động của thư viện.

Cán bộ Thư viện tỉnh Lạng Sơn thực hiện số hóa tài liệu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

TTXVN - Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm phổ biến đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành thư viện. Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, tài nguyên thông tin gia tăng nhanh chóng, đa dạng và yêu cầu của người sử dụng có nhiều thay đổi đã tác động đến cách thức triển khai hoạt động của các thư viện. Chuyển đổi số trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trong hoạt động của thư viện, trở thành xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực thư viện hiện nay.

Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, phóng viên TTXVN giới thiệu chùm hai bài viết về thực trạng, cơ hội và thách thức đặt ra trong chuyển đổi số thư viện hiện nay.

Bài 1: Những dấu ấn tích cực

Từ những năm 90 của thế kỷ 20, với những định hướng của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng thư viện điện tử đến nay là thư viện số đã được triển khai rộng khắp, nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn. Chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả, giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

* Những con số tích cực

Tại Thư viện Quốc gia và hệ thống các thư viện tỉnh/thành phố, các thư viện đa ngành, chuyên ngành, thư viện đại học, viện nghiên cứu… đều đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các nguồn tài nguyên thông tin điện tử, hình thành các thư viện đa phương tiện, thư viện điện tử.

Số liệu thống kê cho thấy, việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số được các thư viện quan tâm thực hiện. Nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn. Đơn cử, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục lớn khoảng 1 triệu biểu ghi. Đến nay, Thư viện đã có được một lượng tài nguyên thông tin dạng số khoảng hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương khoảng trên 10 triệu trang tài nguyên số đưa vào phục vụ, thông qua khai thác trực tuyến và truy cập trong mạng nội bộ (LAN), phổ biến rộng rãi nguồn tri thức của dân tộc.

Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển được 6.082.144 trang tài nguyên thông tin số, khoảng 103.943 tên sách, số báo… Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số phong phú với 151.380 học liệu số, 33.433 luận án, luận văn 48.212 học liệu số khác là các khóa luận, kỷ yếu, 53.000 sách điện tử…. Thư viện Quân đội  đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu toàn văn với 16.442 tài liệu điện tử, có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dữ kiện về quân sự như dữ kiện các đơn vị quân đội, các trận đánh, các tướng lĩnh, các tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang…

Bên cạnh việc số hóa xây dựng nguồn tài nguyên thông tin dạng số, các thư viện sử dụng hình thức bổ sung nguồn tài nguyên dạng số trong thư viện bằng cách mua quyền sử dụng các bộ sưu tập tài nguyên có sẵn do các đơn vị, cơ quan khác cung cấp. Tiêu biểu như: Thư viện Quốc gia Việt Nam mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu Wilson, ProQuest, sách điện tử IGroup Publishing, sách điện tử SpringerNature, SAGE Journal, SAGE Research Method… Đây là những cơ sở dữ liệu có các nguồn tin tin cậy, đảm bảo các quy định, luật pháp về sở hữu trí tuệ, bản quyền và các quyền liên quan.

Một số thư viện khác như Thư viện thành phố Cần Thơ, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng, Thư viện tỉnh Khánh Hoà, Thư viện tỉnh Đắk Lắk… mua bản quyền hàng ngàn đầu sách e-book, mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu với hàng chục ngàn tài nguyên thông tin…

Nhiều thư viện còn đưa ứng dụng công nghệ số vào phục vụ những đối tượng bạn đọc đặc biệt, là những người khuyết tật thị giác. Theo đó, một số thư viện như Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Phú Yên… đã tiến hành sản xuất tài liệu theo định dạng phù hợp cho người khiếm thị như sách nói kỹ thuật số, sách chữ nổi, triển khai các dịch vụ hướng dẫn tra cứu thông tin và sử dụng máy tính, dùng các phần mềm chuyên biệt… phục vụ cho người khuyết tật.

Bên cạnh việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số, các thư viện đẩy mạnh hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên, bước đầu cho ra đời các hệ thống dùng chung nguồn tài nguyên thông tin, tiêu biểu như: Hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio dành cho các thư viện có quy mô nhỏ như thư viện cấp huyện, xã và thư viện trường học… giúp các thư viện kết nối, chia sẻ và dùng chung tài nguyên thông tin.

Một số thư viện đã ký biên bản hợp tác, chia sẻ, liên thông thư viện giữa các trường đại học, cao đẳng; có kế hoạch đầu tư nhằm nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho việc xây dựng bộ sưu tập số; có kế hoạch mua phần mềm mới hoặc nâng cấp phần mềm đang sử dụng để quản trị thư viện điện tử, thư viện số...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các sở, ban ngành, hội đoàn thể và thành phố Tam Kỳ bấm nút khai trương Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ ngày 21/4/2023. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

* Xu thế tất yếu

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Cho đến hiện nay, nhiều thư viện trên khắp cả nước đã chuyển đổi theo hướng thư viện số để thúc đẩy văn hóa đọc, giúp nhiều người dễ dàng có cơ hội được tiếp cận với “kho sách” lớn của quốc gia.

Thường xuyên đến Thư viện Quốc gia để nghiên cứu tài liệu, bạn Trần Thu Hương, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) chia sẻ, thư viện đối với Hương không chỉ là nơi học tập mà còn là nơi giúp Hương thư giãn đầu óc bằng những cuốn truyện giải trí.

“Ở thư viện, tôi có thể tìm được nhiều thông tin, kiến thức cần thiết phục vụ cho việc học tập của mình. Điều đáng mừng là hiện nay có rất nhiều tài liệu bổ ích được đưa lên không gian số, tôi có thể truy cập tham khảo vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà không cần phải đến tận nơi như ngày xưa, việc này đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại”, bạn Trần Thu Hương bày tỏ.

Nhiều bạn đọc khác cùng chung ý kiến khi nói về việc tiếp cận nguồn tài liệu số từ các thư viện. Bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Thư viện số giúp em có thể tra cứu những thông tin từ các thư viện chuyên ngành, thư viện địa phương khác mà không cần phải đến tận nơi, điều này đã hỗ trợ cho công tác học tập, nghiên cứu của em rất nhiều”.

Các chuyên gia lĩnh vực thư viện cho rằng, thư viện số là không gian lý tưởng để giao lưu tri thức số, kiến tạo một nền văn hóa đọc chưa từng có trong lịch sử thế giới và khơi nguồn sáng tạo cho những phát minh quyết định trong tiến trình phát triển trí tuệ nhân loại. Sự ra đời của thư viện số nói chung đã góp phần làm thay đổi quan điểm, khái niệm, diện mạo, các phương thức phục vụ của thư viện. Ở đó, không gian thực tế và không gian ảo được kết hợp sử dụng triệt để nhằm xóa đi khoảng cách về không gian, vị trí địa lý và thậm chí cả thời gian nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho mọi người dân.

Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Trang (Thư viện Quốc gia Việt Nam) cho rằng, chuyển đổi số thư viện đã làm thay đổi sâu sắc nội hàm hoạt động của thư viện và thay đổi thói quen đọc sách của người sử dụng. Việc các thư viện liên kết các cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số và các nền tảng khác, đem đến những trải nghiệm đọc đa dạng hơn cho người sử dụng, tăng cường tính tiện lợi và linh hoạt cho người sử dụng. Thông qua các thiết bị di động như máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc đọc sách và minh họa nội dung trực tuyến trở nên dễ dàng. Các tác phẩm, tài liệu trực tuyến có thể kết hợp hình ảnh, video, âm thanh và các tương tác giúp việc đọc thú vị và hấp dẫn hơn.

Chuyển đổi số cũng giúp tăng cường các loại hình dịch vụ thư viện trực tuyến mới: mượn sách trực tuyến, mượn sách điện tử, tham gia hội thảo trực tuyến, các khóa học trực tuyến, nhận thông tin giới thiệu sách hay xuất bản tài liệu… Ngoài ra, các hoạt động tương tác cộng đồng được các thư viện duy trì thông qua các nền tảng xã hội như Fanpage, diễn đàn trực tuyến. Những hoạt động này giúp tạo dựng các cộng đồng đọc đa dạng.

Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Thu Trang, chuyển đổi số thư viện đã mở ra cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển văn hóa đọc trong môi trường số. Đó là xu thế tất yếu và vai trò của các thư viện là định hướng và xây dựng các tiêu chí cho các nội dung văn hóa đọc trong môi trường này. Thông qua thư viện, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận tới các kho tài liệu khổng lồ không chỉ trong và ngoài nước, giúp việc phổ biến kiến thức, việc đọc trở nên thuận lợi hơn. Vì vậy, các thư viện cần tiếp tục định hướng chuyển đổi số và phát triển thư viện hiện đại, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước./.

Bài 2: Cơ hội và thách thức

Phương Lan

Xem thêm