Giáo dục

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao - yêu cầu cấp thiết

"Điểm nghẽn" lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn.

Quang cảnh hội thảo
Ảnh: Bộ GD&ĐT

Ngày 28/9, tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, "điểm nghẽn" lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn.

Thực trạng này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm Việt Nam mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu
Ảnh: Bộ GD&ĐT

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao” là yêu cầu cấp thiết.

Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ lớn này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ, xứng tầm nhiệm vụ.

Báo cáo về dự thảo Đề án, ông Đặng Văn Huấn, Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) cho biết: Đề án nhằm chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Đề án đề cập đến 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM; Hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo; Triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh then chốt; Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ người học, thu hút người giỏi; Hoàn thiện và triển khai các chính sách đào tạo, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi; Tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn kết với đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục đại học; Mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý, đề xuất cho việc xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Giáo sư - Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo.
Ảnh: Bộ GD&ĐT

Giáo sư - Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Vì vậy, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần tạo ra chuẩn đào tạo mạnh hơn nữa, ưu tiên hơn vào những ngành mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật dữ liệu. Việc xây dựng đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045” chính là kim chỉ nam, định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động để sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Trung tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng đánh giá, sự cần thiết của đề án không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn phục vụ hiệu quả cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, cần nghiên cứu các giải pháp đào tạo dài hạn hơn, đặc biệt là định hướng cho các em học sinh lựa chọn STEM ngay từ giáo dục phổ thông.

Ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp phát triển doanh nghiệp Ngân hàng Thế giới đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, tạo ra sự thuận lợi hơn cho việc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ cao hoặc có cơ chế thí điểm cho những mô hình đào tạo mới có sự kết hợp với doanh nghiệp, nước ngoài để mở rộng hơn các chương trình đào tạo.

Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến, đóng góp trong xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo của giáo viên; cơ chế cho các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên phổ thông có năng lực STEM; thu hút học sinh nữ vào ngành STEM; đổi mới phương pháp dạy học từ phổ thông, có định hướng STEM cho học sinh; khoanh vùng sơ bộ điểm mạnh của từng trường để đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiệu quả./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm