Văn hóa ứng xử của giới trẻ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội bởi đây là độ tuổi hình thành, xây dựng nhân cách con người.
TTXVN - Xuất phát từ va chạm, mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường đã khiến một học sinh lớp 8 ở quận Long Biên (Hà Nội) bị hành hung dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng xấu. Trong khi đó, đối tượng hành hung em là học sinh lớp 10 và đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Hậu quả nghiêm trọng của vụ việc khiến cả xã hội bàng hoàng, đau xót. Nhiều người đặt câu hỏi, đâu là nguyên nhân của sự việc trên, làm thế nào để có văn hóa ứng xử phù hợp, giảm thiểu những vụ việc đau lòng.
Ngay từ khi còn nhỏ mới tập đi, tập nói rồi chập chững bước vào cổng trường Mầm non, trẻ em đã được dạy để biết yêu thương bạn bè, nghe lời cha mẹ, thầy cô giáo. Lớn lên, ở các bậc học cao hơn, học sinh được dạy thêm về cách ứng xử với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình. Là chủ nhân tương lai của đất nước, do đó, văn hóa ứng xử của giới trẻ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội bởi đây là độ tuổi hình thành, xây dựng nhân cách con người.
Có thể nói, gia đình, nhà trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người. Xã hội là nơi thử thách, đánh giá sự trưởng thành của nhân cách đó. Vì vậy, nếu mỗi đứa trẻ nhận được sự quan tâm từ gia đình và nhà trường, nhất là từ gia đình sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh, hình thành nhân cách tốt.
Tại nhà trường, phần lớn thời gian trong ngày, học sinh tiếp xúc, chịu ảnh hưởng trực tiếp về văn hóa ứng xử từ thầy cô, bạn bè. Thầy cô giáo có hành xử văn minh, tôn trọng đồng nghiệp, quan tâm, giúp đỡ, coi học sinh như những đứa con của mình, các em sẽ học được sự lễ phép, ngoan ngoãn vâng lời, biết nhận khuyết điểm khi vi phạm. Trong lớp học, các bạn đoàn kết, chia sẻ, yêu thương nhau sẽ tạo nên một môi trường học tập thân thiện, tin cậy.
Trong gia đình, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ sẽ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Khi còn bé, trẻ bắt chước hành động, lời nói của người lớn; lớn lên, trẻ nhìn vào cách hành xử giữa các thành viên trong gia đình, hình thành thói quen. Thói quen khi đã hình thành rất khó thay đổi. Một gia đình bất hòa, cha mẹ thường xuyên cãi vã, dạy con bằng những lời dọa nạt… sẽ tạo ra những đứa trẻ có lối hành xử thô lỗ, bạo lực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm dạy trẻ sống có trách nhiệm, chịu trách nhiệm cho hành động của mình, thậm chí là ngay khi trẻ mới 1 tuổi. Cha mẹ hãy phân tích lợi hại rồi để cho trẻ tự quyết ở một số việc nhỏ. Nếu trẻ làm theo ý mình mà gặp bất lợi, trẻ phải tự chịu trách nhiệm mà không đổ lỗi cho người khác. Đặc biệt, người lớn không nên có những hành động, việc làm, lời nói khiến trẻ tự thấy mình như "cái rốn" của vũ trụ. Để làm được như vậy, cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn, nghiêm khắc hơn trong hành trình giáo dục con; đồng thời cần làm gương, nhất là trong việc xin lỗi trước nếu cha mẹ chưa đúng.
Quan sát nhiều vụ việc học sinh vi phạm nội quy, có cách ứng xử thiếu chuẩn mực có thể thấy, khi được mời đến trường, hầu hết phụ huynh cho rằng "con còn nhỏ chưa biết gì", nhiều trường hợp tìm cách đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường chứ không hề có ý nhận lỗi về phía gia đình. Thậm chí có người ngay lập tức la mắng, đánh đập con trước mặt người góp ý để biểu thị sự nghiêm khắc nhưng vô hình trung đã thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái. Chính cách cư xử của người lớn, cha mẹ, người thân với những người xung quanh sẽ là tấm gương để trẻ soi vào, học hỏi trong các tình huống ứng xử.
Về vụ việc học sinh lớp 8 ở quận Long Biên bị hành hung để lại hậu quả đáng tiếc. Nếu cả hai học sinh đều biết kiềm chế, biết lắng nghe để có cách ứng xử văn minh chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc này. Nếu các em đều hiểu và biết sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, có lẽ sẽ kịp thời dừng lại khi vừa có ý định vung tay xâm hại thân thể người khác./.
- Từ khóa:
- Dạy cách ứng xử
- trách nhiệm
- văn hóa ứng xử