Hội nhập

Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVD-19

Hà Nội

Đến nay đã có hơn 30 địa phương các cấp của Pháp và khoảng 20 địa phương Việt Nam tham gia vào các quan hệ hợp tác theo cơ chế này.

Các đại biểu chụp ảnh chung. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

TTXVN - Sáng 14/4, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội dự phiên khai mạc.

Về phía đại biểu Pháp có Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp, Đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp Catherine Deroche; Đại sứ đặc trách Ngoại vụ địa phương, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean - Paul Guihaumé; Phó Thị trưởng Toulouse, Ủy viên Ban điều hành Hiệp hội các địa phương Pháp Jean-Claude Dardelet; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.

Trong hai ngày 14-15/4, Hội nghị tập trung thảo luận 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Đô thị bền vững; môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa. Bên lề Hội nghị còn diễn ra nhiều hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước như: Không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam”; lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp”; diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp; chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị; Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long”; triển lãm “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á”; triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”...

Tại Hội nghị còn có Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp, kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chào mừng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong tổng thể các lĩnh vực và tầng bậc hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, hợp tác giữa các địa phương hai nước đã trở thành nét đặc trưng, là một điểm sáng.

Pháp là nước duy nhất Việt Nam có cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương định kỳ và luân phiên. Đến nay đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia hợp tác theo cơ chế này, với 240 dự án hợp tác giữa các địa phương hai nước, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững…

Năm 2023, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành địa phương chủ nhà của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam - Pháp, lần thứ 12. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược; góp phần tạo thành bước nối tiếp cho đà phát triển mới mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Pháp; minh chứng cho vai trò, tầm quan trọng, triển vọng phát triển quan hệ giữa các địa phương của hai nước, phục vụ hiệu quả, thiết thực sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia nói chung, mỗi địa phương nói riêng.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Thủ đô Hà Nội tự hào là một trong những địa phương tiên phong, khởi đầu cho cơ chế hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp ngay từ khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, mở cửa. Đến với Thủ đô Hà Nội, chúng ta sẽ cảm nhận được quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp thông qua những dấu ấn về hợp tác đầu tư, thương mại, hợp tác mẫu trong quan hệ quốc tế, triển khai dự án dân sinh và nhiều dự án khác Hà Nội đã hợp tác với các địa phương của Pháp … Đó là các dự án thí điểm trùng tu một số công trình kiến trúc tại khu phố cổ, lớp học song ngữ, khu phố đi bộ, vườn hoa, bến xe buýt xanh, xử lý rác thải và kiểm soát ô nhiễm không khí...

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, chính tính thường nhật giản dị đó đã tạo nên sự bền vững, gắn kết cho quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp, bởi nó hướng tới nhu cầu cụ thể nhất của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, được phát triển trên nền tảng là tình đoàn kết, sự tự nguyện của nhân dân hai nước.

Ông Đinh Tiến Dũng bày tỏ vui mừng khi hai bên đã thống nhất được chủ đề chính của Hội nghị và chủ đề cho 4 hội thảo chuyên đề, thể hiện rõ yêu cầu, đồng thời cũng là thách thức cho các địa phương Việt Nam - Pháp trong bối cảnh mới; hướng tới tìm kiếm, xác định nhận thức chung và mục tiêu cho phát triển hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là sự kiện quy mô lớn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp.

Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVD-19”, Hội nghị nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19. Trên cơ sở quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước cũng như lãnh đạo các địa phương Việt Nam - Pháp để cùng chung sức ứng phó, tìm ra giải pháp hợp tác hữu hiệu trước những thách thức toàn cầu hiện nay.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại Hội nghị này, các địa phương của Việt Nam - Pháp sẽ thảo luận về cơ hội, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị hợp tác trên 4 cụm chủ đề trung tâm: Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; văn hóa, di sản và du lịch; thành phố thông minh và số hóa.

Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, Hội nghị mang tính biểu trưng cao, thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương của hai nước trong việc triển khai các dự án và hợp tác. Hội nghị lần này tổ chức vào đúng dịp đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược sẽ tạo thành bước nối tiếp cho đà phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Điều này cho thấy sự tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân của hai quốc gia. Ông Nicolas Warnery hoan nghênh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, du lịch; xử lý nước thải, rác thải, biến đổi khí hậu...

Các đại biểu tham quan khu trưng bày, giới thiệu các địa phương của Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được khởi nguồn từ những năm 1990. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Lille (Pháp) năm 1996, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức 2 - 3 năm một lần, lần lượt tại Pháp và Việt Nam. Đây là dịp tập hợp tất cả chủ thể hợp tác phi tập trung và phi chính phủ, trao đổi kinh nghiệm để duy trì tính năng động của hình thức hợp tác này.

Đến nay đã có hơn 30 địa phương các cấp của Pháp và khoảng 20 địa phương Việt Nam tham gia vào các quan hệ hợp tác theo cơ chế này. Các dự án tập trung vào lĩnh vực phù hợp nhu cầu của địa phương Việt Nam, thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp - nông thôn./.

 

 

Tuyết Mai

Tin liên quan

Xem thêm