Thời sự

Đồng Tháp: Kiến nghị trang bị sách cho cơ sở

Đồng Tháp

Dù còn những hạn chế nhưng Đề án trang bị sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

TTXVN - Ngày 11/10, tại thành phố Cao Lãnh, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Giám đốc, Phó tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật Nguyễn Hoài Anh làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Hoài Anh cho biết, Đề án được triển khai từ năm 2009 đến nay. Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và chuẩn bị tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của Đề án thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức đoàn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Đồng Tháp.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Đoàn khảo sát tình hình tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách thuộc Đề án; nhu cầu về các thể loại, nội dung, hình thức sách cần trang bị cho cán bộ xã, phường, thị trấn phù hợp đối tượng cụ thể ở cơ sở; xây dựng, tổ chức các đề tài thiết thực, sát với nhu cầu ở cơ sở; kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn sách trang bị cho cơ sở.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, từ năm 2011 đến nay, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã nhận trên 300 đầu sách các loại và nhiều đĩa CD audio từ Đề án. Các đầu sách được trang bị như: Sách lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý; sách về biển - đảo Việt Nam; sách hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất - kinh doanh; sách thiếu nhi; sách khoa học xã hội, khoa học và đời sống; sách về lịch sử…

Các cấp ủy cơ sở có nhiều cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc quản lý sách của Đề án; phân công cán bộ tiếp nhận, mở sổ theo dõi, sắp xếp, phân loại danh mục sách cụ thể từng đợt, mở sổ theo dõi cho mượn, thu hồi theo quy định. Công tác tuyên truyền, khai thác, sử dụng sách của Đề án được các cấp ủy cơ sở chú trọng, thực hiện thông qua nhiều hình thức. Nhiều cán bộ, đảng viên, người dân đã mượn, đọc sách tại tủ sách của Đề án. Qua đó, góp phần nâng cao văn hóa đọc và phát triển phong trào đọc sách.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá, một số ít cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Đề án; việc quản lý, khai thác, sử dụng sách còn lúng túng; tủ sách được đặt tại cơ quan làm việc nên số lượng người dân đến tìm đọc còn hạn chế. Đa số cán bộ quản lý sách ở cơ sở đều kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về nghiệp vụ quản lý và khai thác, sử dụng sách nên thực hiện chưa đúng theo quy định.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thị Kim Loan cho rằng, dù còn những hạn chế, khó khăn nhưng nhìn chung Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hiệu quả thiết thực. Đầu sách trang bị khá phong phú với nhiều nội dung. Sách, báo của Đề án góp phần đưa đến cấp cơ sở những thông tin chính thống, đã được kiểm chứng; dần hình thành thói quen đọc sách trong cán bộ, đảng viên và người dân, tạo tiền đề cho việc xây dựng văn hóa đọc và xã hội học tập.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bà Lê Thị Kim Loan đề nghị Trung ương tiếp tục triển khai Đề án trong thời gian tới và cần có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình mới. Đầu sách trang bị nên hướng tới những đối tượng cụ thể như nông dân, học sinh, sinh viên…; hướng dẫn và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý sách của Đề án để việc việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả; có quy định chế độ chi thù lao cho cán bộ quản lý./.

Nhựt An

Tin liên quan

Xem thêm