Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, là chỗ dựa tin cậy của ngư dân và nhân dân.
TTXVN - Sóc Trăng là tỉnh có trên 72km bờ biển và một vùng ngư trường rộng lớn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng tỉnh là bảo đảm trật tự an ninh vùng ven biển, trong đó có nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ người dân.
Hải đội 2 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng là đơn vị cơ động chiến đấu trên biển được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của tỉnh. Cấp ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 Biên phòng luôn chủ động phối hợp với các lực lượng và thông qua ngư dân địa phương nắm bắt tình hình trên vùng biển; chú trọng triển khai các biện pháp nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển và nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm, với tinh thần, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, luôn được cấp ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 Biên phòng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm làm giảm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong khu vực biên giới biển. Cấp ủy, Ban Chỉ huy đơn vị thường xuyên tổ chức quán triệt phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn luôn để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Chí Tôn, Phó Thuyền trưởng tàu BP18.98.01. là một người dày dạn kinh nghiệm trong công tác tìm kiếm, cứu nạn bởi đã nhiều năm bám biển, bám tàu. Anh cho biết: Trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, khó khăn nhất là những cuộc tìm kiếm, cứu hộ ngư dân gặp nạn vào ban đêm. Thời điểm đó thường có sóng to, gió lớn, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ để lại hậu quả lớn. Chính vì vậy, công việc của những người tham gia đội tàu cứu nạn đòi hỏi phải nhanh, chính xác, từ đó tiếp cận và đưa ra phương án ứng cứu kịp thời.
Có nhiều trường hợp, do thời tiết quá xấu, việc tiếp cận với tàu bị nạn mất rất nhiều thời gian, tưởng chừng như không còn hy vọng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm công tác trên biển và nỗ lực không biết mệt mỏi của các tổ công tác, việc ứng cứu cũng có kết quả như mong đợi. Các tổ công tác đã cứu được nhiều ngư dân, lai dắt thành công tàu gặp nạn về nơi an toàn... Nhờ đó, tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị với ngư dân trong vùng ngày một gắn kết.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã cứu hộ, cứu nạn thành công hai phương tiện với 8 thuyền viên. Gần đây nhất, vào chiều tối 29/8, Hải đội 2 Biên phòng nhận được tin báo của ông Lê Văn Tư (sinh năm 1968, hộ khẩu thường trú: Số 68, đường B21, phường An Khánh, quân Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) là chủ tàu CT 09999 TS, tàu gặp nạn trên biển. Thời điểm gặp nạn, tàu có 4 thuyền viên, do ông Tư làm thuyền trưởng. Nhận được tin báo, đơn vị đã điều khiển phương tiện BP 18-13-01 cùng 6 cán bộ, chiến sĩ ra cứu nạn. Vượt sóng to, gió lớn, khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, tàu của đơn vị tiếp cận được tàu gặp nạn. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tìm cách kéo tàu ra khỏi khu vực bị mắc cạn và đưa tàu bị nạn cùng các ngư dân vào cảng Trần Đề an toàn.
Đại úy Trần Hoàng Thái, Hải đội trưởng Hải đội 2 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến việc khai thác trên biển, gây hư hỏng máy móc, thiết bị phương tiện hoạt động trên biển, sự cố chìm tàu… Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với phương châm “quyết tâm - kịp thời - hiệu quả”, cấp ủy, Ban Chỉ huy Hải đội 2 Biên phòng luôn thường xuyên duy trì một kíp tàu cùng 6 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng, cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển; tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp thực hiện tốt công tác phối hợp ứng phó tai nạn tàu thuyền trên biển.
Bên cạnh đó, trước mỗi mùa mưa bão, đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cứu hộ trên sông, biển tới cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Khi xuất hiện bão hay áp thấp gần bờ, đơn vị thường trực 100% quân số, sẵn sàng “xuất quân” theo lệnh điều động; tổ chức duy trì chặt chẽ chế độ trực đài canh tìm kiếm, cứu nạn 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Để bảo đảm phương tiện, thiết bị hoạt động tốt nhất, chỉ huy đơn vị yêu cầu các tổ, đội thường xuyên kiểm tra, bảo đảm kịp thời đề xuất sửa chữa, trang bị bổ sung về phương tiện, nhiên liệu, phao cứu sinh, cứu đắm và các thiết bị cần thiết khác; chủ động khảo sát, nắm chắc tuyến, luồng lạch, để có phương án ứng cứu kịp thời, chính xác nhất.
Theo Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, Hải đội 2 Biên phòng cũng như các đồn Biên phòng ven biển ở Sóc Trăng còn phối hợp tốt với các địa phương, lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, văn bản, các quy định cho ngư dân, như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, các quy định về quản lý người, phương tiện ra, vào hoạt động khu vực biên giới biển; vận động ngư dân bám ngư trường khai thác; không xâm phạm vùng biển của nước ngoài khi đánh bắt trên biển.
Lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân ven biển để họ chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý, khai thác hải sản, chấp hành tốt các quy định an toàn hàng hải và thực hiện đúng các quy định về công tác an toàn cho người, tàu cá trên biển; thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác hải sản, giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển… Qua đó, ngày càng khẳng định, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, là chỗ dựa tin cậy của ngư dân và nhân dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh./.
- Từ khóa:
- Bộ đội Biên phòng
- Sóc Trăng