Long An đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ biết tận dụng lợi thế và khai thác tiềm năng vốn có của địa phương.
TTXVN - Nằm ở điểm kết nối giữa khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ biết tận dụng lợi thế và khai thác tiềm năng vốn có của địa phương. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Long An đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nhiều khu công nghiệp tập trung, xây dựng hệ thống cảng, phát triển logistics..., giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện nay, Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... vươn lên thành tỉnh có thu nhập cao, đời sống xã hội văn minh, hiện đại.
* Đời sống xã hội được nâng cao
Tỉnh Long An đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân theo hướng hiện đại, gắn với phát triển đô thị, xây dựng xã văn hóa, phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn, để nâng cao chất lượng cuộc sống và đời sống tinh thần của người dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, xây dựng tỉnh Long An văn minh, hiện đại. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được quan tâm đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tại Long An, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 8,7%; người dân tham gia bảo hiểm đạt 92,3%. Các chỉ số này đã gần đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra lần lượt là 10% và 95%.
Lĩnh vực Giáo dục đào tạo được đổi mới căn bản, toàn diện, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 54,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,35%, trong đó đào tạo nghề (có bằng cấp, chứng chỉ) là 32,07%. Theo kế hoạch đã đề ra, các chỉ số này đã gần đạt (chỉ tiêu lần lượt là 60%, 75% và 35%).
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, thực chất. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các giải thể thao cấp huyện và cơ sở được tổ chức liên tục, thu hút hàng ngàn lượt vận động viên tham gia. Công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao được đẩy mạnh, huy động nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng thiết chế thể thao, mở rộng sân chơi, bãi tập ở cơ sở ngày càng nhiều.
Các chính sách an sinh xã hội, người có công, giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm.
Là địa phương đi đầu trong phát triển xã hội văn minh, hiện đại của tỉnh Long An, Thành ủy Tân An đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TU về xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị vào năm 2024. Theo đó, thành phố Tân An phát huy các nguồn lực, lợi thế, xây dựng và phát triển thành phố hướng đến đạt chuẩn đô thị thông minh.
Theo Bí thư Thành ủy Tân An Lê Công Đỉnh, trọng tâm của việc xây dựng đô thị văn minh được thành phố xác định là nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy tắc, trật tự đô thị; chấp hành Luật Giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Công tác vận động người dân cùng hưởng ứng xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh được các cấp ủy Đảng, các ngành quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Thành phố thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các xã, phường chú trọng gắn việc xây dựng đô thị văn minh với tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phường đô thị văn minh.
Các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh và xã nông thôn mới nâng cao. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xây dựng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông. Các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
* Khuyến khích người dân tiếp cận công nghệ thông tin
Muốn phát triển kinh tế, xã hội, trình độ nhận thức và tri thức của người dân là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xã hội phát triển. Từ thực tế này, tỉnh Long An đã từng bước nâng tầm cho người dân trong tiếp cận công nghệ, ứng dụng tri thức vào cuộc sống.
Ứng dụng công nghệ trước tiên và gần gũi nhất là khâu thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của người dân và chính quyền địa phương các cấp. Theo đó, UBND tỉnh Long An đã thực hiện đồng loạt cải cách thủ tục hành chính đi đôi với chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân chủ động, linh động hơn trong thực hiện các thủ tục.
Ông Huỳnh Văn Sơn thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 3288/CTr-UBND và Kế hoạch Phát triển chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2023 phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh. Tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tinh thần sáng tạo, năng động của cán bộ, công chức trẻ, nhiệt tình, được đào tạo bài bản trong công tác cải cách hành chính; đề cao đạo đức công vụ; cải thiện mô hình quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tiếp nối bước đi từ cấp tỉnh, các địa phương tại Long An tăng cường thực hiện chuyển đổi số, tập huấn và hướng dẫn người dân tiếp cận với chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Các huyện Tân Thạnh và Tân Trụ là các đơn vị đi đầu trong thực hiện ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận công nghệ thông tin nhanh chóng.
Ông Trịnh Phước Trung, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ chia sẻ, đến nay, toàn huyện có trên 1.800 thuê bao cố định, thuê bao di động đạt 99%, số hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 96,3 %. 100% cán bộ, công chức các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và trên 98% cán bộ, công chức xã, thị trấn được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn. 100% máy tính tại các cơ quan nhà nước đảm bảo cấu hình được trang bị phần mềm diệt virus có bản quyền. 100% phòng, ban huyện, UBND xã, thị trấn triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng đối với cấp huyện.
Tại huyện Tân Thạnh, xác định chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện, từ Chính phủ đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong mọi lĩnh vực, UBND huyện đã đồng loạt triển khai hướng dẫn cho người dân thực hiện chuyển đổi số để tiếp cận nhanh chóng với sự thay đổi của xã hội hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Hà Thanh Chì, UBND huyện cử 10 cán bộ lãnh đạo cấp phòng và 26 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã tham gia tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng số do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. UBND huyện cũng cử lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin tham dự lớp tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số dành cho cán bộ lãnh đạo và công chức trực tiếp tham mưu, để từ đó phục vụ người dân được tốt hơn, nhanh chóng hơn.
Với sự phát triển công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số từ thủ tục hành chính đến phát triển kinh tế số, người dân huyện Tân Thạnh đã nhanh chóng áp dụng từ thương mại điện tử đến biên lai điện tử, tạo sự thuận tiện hơn trong giao dịch ngay tại địa bàn huyện.
Ông Hà Thanh Chì chia sẻ, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng ban hành Công văn số 286/P.KT-HT-KT ngày 17/5/2023 về việc tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Long An cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thạnh. Đến nay, tỷ lệ sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% đối với doanh nghiệp (154 doanh nghiệp) và hộ kinh doanh (16 hộ); triển khai, hướng dẫn áp dụng thực hiện biên lai điện tử cho các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã; triển khai doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử./.
- Từ khóa:
- Long An
- xây dựng hạ tầng
- phát triển đô thị