Gần 80 nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về các phát kiến mới thú vị liên quan đến nhiều loại vật liệu, linh kiện khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và tính toán lượng tử…
TTXVN - Ngày 11/8, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến lần thứ 4 (IWAMD 2023) đã được tổ chức dưới sự phối hợp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Osaka (Nhật Bản) và Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Hội Vật lý Việt Nam, Hội Khoa học Vật liệu, Hội Từ học Việt Nam, một số Viện nghiên cứu cùng 250 nhà khoa học trong, ngoài nước.
Tại Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hoàng Lương, Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về các phát kiến mới thú vị liên quan đến nhiều loại vật liệu, linh kiện khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và tính toán lượng tử… Các chủ đề của Hội thảo IWAMD 2023 gồm các vấn đề lý thuyết và ứng dụng của các lĩnh vực khoa học liên ngành như Khoa học vật liệu, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Vật liệu và linh kiện Nano…
Hội thảo lần này thu hút khoảng 210 báo cáo, trong đó có 77 báo cáo của các tác giả quốc tế từ 15 nước (Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Hungary, Tiệp Khắc, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Đài Loan, Philipine, Singapore); chia làm 2 phiên toàn thể và 1 phiên poster.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi chuyên môn, hợp tác xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu chung trong nước và quốc tế. Hoạt động này là diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp, nhằm kết nối, hợp tác cùng giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ vật liệu, thiết bị điện tử mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ, trước thực trạng hiện nay, nhiều trường đại học trong cả nước đã không còn tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản vì không có sức hút đối với người học cũng như xã hội; tuy nhiên, nhà trường vẫn kiên trì theo đuổi sứ mạng này. Hội thảo được tổ chức sẽ góp phần tạo động lực lớn, nhằm tiếp thêm năng lượng tinh thần cho thầy và trò Nhà trường. Đây là dịp để các nhà khoa học của trường được gặp gỡ, kết nối, chia sẻ, hợp tác với các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Trường cũng kỳ vọng các cấp lãnh đạo và xã hội tiếp tục dành sự quan tâm cho đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định, Hội thảo là một sự kiện quan trọng của tỉnh và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Vật lý, Vật liệu và linh kiện tiên tiến trong cả nước. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong nước và quốc tế tới thăm, tìm hiểu thêm về vùng đất, con người Thái Nguyên.
Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Linh kiện tiên tiến khởi nguồn từ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực Vật lý từ những năm 1995 bởi Giáo sư Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hoàng Lương (Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam) và Giáo sư Yoshichika Onuki (nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Nhật Bản).
Trong ba kỳ trước, Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Osaka (Nhật Bản) tổ chức vào các năm 2009, 2012 và 2016. Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo trước đây, IWAMD 2023 sẽ thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu từ nhiều ngành khoa học về vật liệu, vật lý, hóa học và sinh học, từ đó đưa ra những khám phá và tiến bộ mới liên quan đến nhiều loại vật liệu khác nhau, từ điện tử đến năng lượng và lượng tử, tính toán lượng tử, công nghệ nano, các phương pháp nghiên cứu tiên tiến.
Theo kế hoạch, Hội thảo diễn ra đến hết ngày 13/8/2023./.
- Từ khóa:
- Thái Nguyên
- vật liệu
- linh kiện tiên tiến