An sinh

Hà Nam đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư

Hà Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, việc thực hiện Đề án số 06 có ý nghĩa thiết thực, lâu dài, cắt giảm thủ tục hành chính, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

(TTXVN) Chiều 14/10, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công cuộc chuyển đổi số tại địa phương để đảm bảo phục vụ triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 tại Hà Nam; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ tại đề án 06 xây dựng, phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phù hợp, thống nhất với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; sử dụng các điều kiện hạ tầng có sẵn của tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả, an ninh, an toàn và bảo mật bí mật thông tin công dân; tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đối với tiện ích Dịch vụ công trực tuyến gắn với Đề án 06, tỉnh Hà Nam thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, triển khai việc tích hợp thiết bị đọc mã QR, thiết bị đọc chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân phục vụ các điểm tiếp công dân giải quyết thủ tục hành chính...

Đối với tiện ích phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai tiếp đón người bệnh đi khám chữa bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc qua ứng dụng VNEID; sử dụng các thiết bị đảm bảo vừa xác minh danh tính vừa tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, số hóa dữ liệu đầu vào cho các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú, bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh...

Đối với tiện ích phục vụ Công dân số, tỉnh Hà Nam nghiên cứu thực hiện kết nối xác thực người dùng của các ứng dụng cho người dân Hà Nam đã triển khai thông qua mô hình định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; phát huy ứng dụng VNEID để triển khai các tiện ích phục vụ dịch vụ công, công dân số, tiện ích phát triển kinh tế - xã hội; phổ cập danh tính số cho công dân trên địa bàn toàn tỉnh; thông báo số định danh cá nhân cho công dân để làm các thủ tục hành chính; cấp tài khoản an sinh xã hội cho công dân thuộc đối tượng...

Đối với việc hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối các cơ sở dữ liệu, làm giàu dữ liệu, tỉnh Hà Nam thực hiện việc số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng triển khai các form điện tử tờ khai trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thiết yếu...

Đối với việc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng nội dung, phương án phục vụ chỉ đạo, điều hành cho UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng chiến lược hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội phục vụ các sở, ban, ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho rằng, việc thực hiện Đề án số 06 có ý nghĩa thiết thực, lâu dài, không những giảm được giấy tờ, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân trong giải quyết các giao dịch dân sự, mà còn phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công cuộc Cải cách nền hành chính phục vụ chuyển đổi số hướng tới triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thành viên của Tổ công tác Đề án 06 các cấp và lãnh đạo các sở, ngành bám sát nhiệm vụ cụ thể của đơn vị để cụ thể hóa, chỉ đạo thực hiện quyết liệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hướng dẫn thực hiện đạt hiệu quả cao, gắn với quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Quá trình thực hiện Đề án 06 tại địa phương phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành, các đơn vị và các cấp chính quyền địa phương; phát huy tinh thần trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì lợi ích quốc gia./.

Nguyễn Chinh

Xem thêm