Khoa học

Ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số

Trong kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các quốc gia cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

(TTXVN) Sáng 28/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. 

Hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng trở thành cầu nối giữa các chuyên gia và doanh nghiệp, vận dụng, triển khai và nâng cấp công nghệ trong nhiều lĩnh vực thiết yếu, phục vụ đắc lực sự phát triển của doanh nghiệp, địa phương, triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đây cũng là dịp các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu các giải pháp công nghệ có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực hoạt động của mình nhằm nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, lựa chọn các công nghệ phù hợp. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tiến Dũng Phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trong kỷ nguyên số hóa, chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu bắt buộc mà các quốc gia cần phải tham gia để phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020 và Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 lấy ngày 10/10 hằng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”.

Đây là năm đầu tiên, nước ta tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Tiến Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với những thế mạnh về tiềm lực con người, cơ sở vật chất đã đạt được nhiều thành tựu về công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số từ các ứng dụng công nghệ mới nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu. 

Theo kết quả đánh giá chuyển đổi số (DTI) 2021, đối với Khối các bộ không cung cấp dịch vụ công, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng vị trí thứ nhất với giá trị 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848). Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp thứ nhất trong 3/6 chỉ số chính gồm: Nhận thức số; Hạ tầng số và Nhân lực số. 

Kết quả đánh giá chỉ số DTI năm 2021 cho thấy, nỗ lực của lãnh đạo và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển ra toàn cầu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu nhiều nhóm giải pháp công nghệ đã được nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống phục vụ hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số.

Đến nay, nhiều ứng dụng công nghệ mới đã được các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm phát triển thành sản phẩm như: Hệ thống mô hình thực hành quản lý sản xuất, hệ thống thông tin nông nghiệp, nông nghiệp chính xác trong Cách mạng công nghiệp 4 lần thứ tư, hệ thống cảnh báo lũ và ngập lụt trực tuyến trên WebGIS, tự động hóa trong sản xuất, công nghệ thực tế ảo trong các bảo tàng.../.

Hoàng Nam

Tin liên quan

Xem thêm