Thành phố có nhiều giải pháp cũng như vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách để phát huy vai trò doanh nhân kiều bào trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
(TTXVN) Năm 2022 lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 6,8 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ so với năm 2021 và chiếm tới 48% quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Để tiếp tục thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào, thành phố có nhiều giải pháp cũng như vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách để phát huy vai trò doanh nhân kiều bào trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
* Đóng góp của kiều bào với Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt hiện đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 2 triệu kiều bào có xuất thân hoặc có liên hệ với Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, Canada, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Áo, Singapore,…) về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách thu hút đầu tư của kiều bào vào các cơ sở như Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu Công nghệ cao. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng "Thung lũng Sài Gòn Silicon" với diện tích trên 52ha, giá trị khoảng 38,5 triệu USD. Trung tâm này sẽ hướng tới việc thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ các công nghiệp sáng tạo, nghiên cứu.
Thực tế, năm 2022 vừa qua, lượng kiều hối gửi về Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước với 6,8 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Dòng tiền này góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỉ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng cho biết, trong năm 2022, tuy còn nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh nhưng Ủy ban chú trọng tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, quan tâm tháo gỡ các khó khăn cho kiều bào. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng ngoài nước và cộng đồng trong nước, thu hút sự tham gia, đóng góp ngày càng nhiều hơn của doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh còn giới thiệu với các hội doanh nhân người Việt ở nhiều nước về những lĩnh vực mà Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư, có nhiều cơ hội như công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao. Lực lượng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực tham gia liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong cộng đồng,…
Đặc biệt, trong thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ở nước ngoài đã gặp không ít khó khăn. Tuy phải vừa lao động, sáng tạo, vừa chống dịch ở nước sở tại, kiều bào vẫn một lòng hướng về quê hương đất nước bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa để cùng chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đẩy lùi dịch bệnh.
*Cần nhiều chính sách thuận lợi
Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ; có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng khi ký kết hợp đồng lao động với các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc.
Theo Giáo sư Trần Hải Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Hàn Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xây Khu đô thị sáng tạo dựa trên liên kết của ba quận phía Đông, tương đồng với thành phố Incheon (Hàn Quốc) đã và đang xây dựng khu đô thị thông minh ở ba khu vực là Yeongjong - Cheongna - Songdo.
Giáo sư Trần Hải Linh kiến nghị lãnh đạo thành phố nên hình thành ngay một Ủy ban tư vấn việc xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo, đứng đầu là một lãnh đạo thành phố. Các thành viên gồm lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã, đang và sẽ có dự án ở ba khu vực trên, đại diện chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào,... Ủy ban này sẽ đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo, nhanh chóng đưa ra kế hoạch ngắn, trung và dài hạn, xác định một vài lĩnh vực công nghệ cao như các sản phẩm sinh - y - dược - nông nghiệp, logistics,... để áp dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Theo nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào, nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước về phát triển kinh tế đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới; thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch.
Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật Đất đai,… cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mhân dân nói chung và kiều bào nói riêng. Tăng cường đưa thông tin chính thống về pháp luật, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nhân kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng cho rằng, để thu hút lượng lớn kiều hối cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư của kiều bào cho nền kinh tế, thành phố cần chú ý xây dựng thể chế, quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan đến kiều bào, như vấn đề đầu tư, quốc tịch. Thành phố cũng cần có các chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho kiều bào tham gia các hoạt động thương mại trong nước như góp vốn, cổ phần với các doanh nghiệp trong nước, có chính sách ưu đãi thuế cho kiều bào, tạo điều kiện hơn nữa cho kiều bào đầu tư vào bất động sản, mua đất đai.../.