Xã hội

Long An: 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới

Long An

Khu vực nông thôn Long An đã có bước phát triển rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội toàn tỉnh.

(TTXVN) Theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Long An, qua hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp và hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân Long An.

Long An hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Qua đó, khu vực nông thôn Long An đã có bước phát triển rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại; các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao bước đầu có hiệu quả; chất lượng nông sản ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, ý thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã được nâng lên, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên khoảng 65 triệu đồng năm 2022. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa - giáo dục - y tế ngày càng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp Long An từng bước được đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp phát triển đồng bộ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi đến trung tâm các xã. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.800 km đường giao thông, trong đó đường bê tông nhựa 523,9 km, đường đá dăm nhựa 3.244,1 km, đường bê tông xi măng 1.587,7 km...

Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh hiện có 8.815,9 km kênh mương; 869 cống tưới và tiêu nước; 291 km đê bao triệt để chống xâm nhập mặn, ngăn lũ và triều cường (diện tích được bảo vệ khoảng 65.091 ha); 9 trạm bơm điện. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt trên 90%; 100% các xã thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Hệ thống điện khu vực nông thôn cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện khu vực nông thôn đạt 99,94%. Toàn tỉnh có 1.554 công trình cấp nước nông thôn; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 66,0%.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình (tính đến tháng 11/2022), toàn tỉnh đã có 116/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72% số xã toàn tỉnh; 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường), đạt 100% kế hoạch năm 2022.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Long An cho biết, thời gian qua nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng, trong đó đã có sự tham gia đóng góp không nhỏ của người dân và doanh nghiệp với vai trò là chủ thể.

Năm 2022, toàn tỉnh ước huy động được hơn 40.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung các ngành, các cấp đã chủ động và tập trung lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Việc huy động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Theo ông Truyền, để làm tốt công tác này hơn nữa, chính quyền cơ sở sẽ phải thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; các chủ trương, chính sách liên quan đến sinh kế của người dân phải được phổ biến công khai, minh bạch, kịp thời để người dân bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai thực hiện.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới, Long An kiến nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo thống nhất trong cả nước về tổ chức bộ máy tham mưu, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến xã, ấp; ban hành quy định thống nhất về hệ số phụ cấp kiêm nhiệm cho lực lượng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các cấp.

Đồng thời, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính bổ sung nội dung chi và mức chi cho “Công tác theo dõi, đánh giá bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”; các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn bổ sung một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.../.

Đức Hạnh

Xem thêm