Để người lao động ai cũng được vui Xuân, đón Tết, các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động và dành hơn 140 tỷ đồng chăm lo Tết cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động Tấm vé nghĩa tình, Tết sum vầy, Phiên chợ nghĩa tình…
(TTXVN) Tết là kỳ nghỉ lễ quan trọng, là khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm lụng vất vả, là dịp để về quây quần với người thân trong gia đình. Thưởng Tết cũng là sự kiện quan trọng, mong đợi của nhiều công nhân, người lao động bởi đây là phần thưởng thiết thực của cả năm giúp họ mua sắm, sửa sang nhà cửa, cải thiện chất lượng cuộc sống.
* Thưởng Tết - ghi nhận nỗ lực người lao động
Với chị Hà Thị Mai An, công nhân Khu Công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (quê ở Thanh Hóa) thưởng Tết năm nay tính ra gần bằng 2 tháng lương nên gia đình gói ghém để về quê, thăm ông bà và đón Tết. Dù ít hay nhiều chị Mai An cũng dành một phần biếu ông bà, nội ngoại hai bên, mua sắm ít quà Tết cho người thân họ hàng, một phần mừng tuổi các cháu…
"Tuy không được xôm tụ, nhưng được gặp ông bà; ông bà gặp gỡ các con cháu trong ngày Tết sum vầy, cả nhà đoàn viên thì thật sự hạnh phúc. Điều này không chỉ tôi mong đợi mà ông bà cũng đều nhớ con cháu, bởi hơn 2 năm rồi chưa gặp”, chị Mai An chia sẻ.
Tương tự, người đồng nghiệp chị Mai An là chị Nguyễn Thị Lành cũng nhận được mức thưởng tương xứng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, nên phải dành một phần tiền thưởng gom góp để trả khoản nợ đã vay trước đó. Theo chị Lành, có lẽ là chưa đủ đầy, trọn vẹn, song trả được nợ thì cũng nhẹ cả người để lấy tinh thần bước tiếp vào một năm mới với nhiều hy vọng no ấm, bình an.
Còn với chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh (quê ở Hậu Giang) sau khi trải qua đợt dịch COVID-19 đã thấu cảm hơn về những khó khăn chung, nhất là những tác động từ lạm phát kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. Trong đó, nhiều người trong khu trọ của chị đã phải tạm ngừng việc, nghỉ việc nhiều tháng nay do tình trạng thiếu đơn hàng nên Tết này họ chỉ được hỗ trợ phần nào từ tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương trong khi chờ tìm việc mới.
Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, thưởng Tết cao ai cũng mong muốn, nhưng trong thời điểm này, hoàn cảnh này thì dù thưởng ít hay nhiều cũng đều quý, miễn sao có công ăn, việc làm ổn định. May mắn là Ban Giám đốc cũng như Công đoàn Công ty chị luôn quan tâm đến đời sống công nhân lao động nên mức thưởng năm nay cao hơn năm trước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tạo nhiều điều kiện tốt cho người lao động về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần để thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất kinh doanh trong đơn vị.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Long Rich Việt Nam, Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết năm nay cho công nhân được xác nhận tăng so với nằm trước đó. Bình quân, mức thưởng cơ bản nhân với hệ số từ 1,8 đến 2,2 tùy theo thâm niên làm việc tại doanh nghiệp.
Vui vì thưởng Tết năm nay tăng nhưng chị Nguyễn Thị Thúy, quê ở Nghệ An không giấu được nỗi buồn bởi hơn 2 tháng trở lại đây mỗi tuần chỉ làm 3 ngày. Thu nhập thấp hơn so với trước đây, nên chị cùng nhiều đồng nghiệp đã phải đi làm thêm bán thời gian để lo chi phí, trang trải cuộc sống gia đình.
"Năm 2021, dịch COVID-19 tuy bùng phát mạnh, nhưng sau khi Thành phố kiểm soát được dịch bệnh, công nhân trở lại nhà máy và có việc làm đều đặn ổn định hơn. Gắn bó với doanh nghiệp hơn 17 năm, tôi thấy chưa có năm nào nhiều khó khăn như năm nay”, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Ở góc độ quản lý ngành giáo dục, ông Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thưởng Tết thường được bàn bạc tập thể. Tuy nhiên, hai năm gần đây trường không tăng học phí, do vậy sẽ phải cân nhắc cân đối thu - chi, nhưng thưởng Tết ít nhất của mỗi người lao động bằng hoặc cao hơn năm trước.
Về cơ bản, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên trường nhận tiền thưởng Tết gồm 3 khoản. Trong đó, tất cả người lao động đều được nhận 1 tháng lương theo hệ số và thu nhập tăng thêm (lương tháng 13). Hai khoản còn lại là tiền thưởng dựa vào hiệu suất công việc và kết quả xét thi đua cuối năm. Riêng với người làm việc tại trường đủ 12 tháng, đủ điều kiện bình xét thi đua, số tiền thưởng cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất cũng hơn 10 triệu đồng.
Đến thời điểm này, hầu hết công nhân, người lao động đều đã nhận được thưởng Tết năm mới 2023. Nhiều người trong số họ đã nhận thưởng lần thứ nhất, nhưng cũng có người nhận thưởng lần thứ hai, thậm chí có doanh nghiệp đã đưa ra các chế độ, chính sách thưởng, lì xì ngay sau Tết Quý Mão 2023 cho công nhân, người lao động khi trở lại làm việc đúng ngày, đúng giờ.
Tết đến, hầu hết người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hay tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp đều mong thưởng Tết. Với họ Tết vui hay buồn phần nhiều ở khoản tiền thưởng dịp cuối năm. Bởi hàng tháng mức lương cố định đều được trang trải, chi phí vào các khoản chi tiêu ăn uống sinh hoạt, con cái học hành, thăm viếng… còn lại chẳng được bao nhiêu. Do vậy, tiền thưởng Tết sẽ giúp họ chi vào việc mua sắm, sửa sang nhà cửa, quà Tết, nghỉ ngơi, giải trí và tiết kiệm…
* Thưởng Tết - chỉ số do năng lực doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các đơn vị, doanh nghiệp đã hoàn tất, thông báo và chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động sau một năm tích cực làm việc. Mức thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 bình quân cho công nhân lao động tại Thành phố gần 13 triệu đồng, cao hơn 45% so với Tết năm 2022 (năm là 8,88 triệu đồng/người).
Thường nếu mức lương cơ bản tùy thuộc vào vị trí, phân công công việc thì tiền thưởng Tết phần lớn phụ thuộc vào năng suất làm việc trong năm, thâm niên công việc… nhằm ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của người lao động gắn bó với đơn vị, doanh nghiệp.
Tết năm nay, có doanh nghiệp giữ nguyên mức thưởng so với năm trước. Có doanh nghiệp nâng cao mức thưởng do vật giá ngày càng leo thang; có doanh nghiệp thưởng cả Tết năm mới 2023 và cả Tết Nguyên đán Quý Mão.
Trong đó, mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão cao nhất năm nay là hơn 750 triệu đồng/người; mức thưởng dịp Tết Dương lịch 2023 cao nhất là hơn 606 triệu đồng/người đều thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng thấp nhất là 930.000 đồng/người.
Về vấn đề này, ông Ngô Đình Quân, Phòng Quản lý doanh nghiệp Khu công nghệ cao cũng nhìn nhận do đa phần là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chính sách cho người lao động, lương, thưởng Tết tại đây tương đối tốt, hài hòa. Các doanh nghiệp nước ngoài tập trung thưởng cuối năm, Tết Dương lịch; doanh nghiệp Việt Nam tập trung thưởng Tết Nguyên đán.
Khu công nghệ cao hiện có 110/161 doanh nghiệp hoạt động, tương đương 52.000 lao động đang làm việc. Song nhìn chung thưởng Tết năm nay của người lao động ở Khu không có biến động so với các năm trước.
Tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát 142 doanh nghiệp có 30 lao động trở lên của Ủy ban nhân dân quận cho thấy có doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động cao nhất lên đến 300 triệu đồng. Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam với hơn 54.000 lao động đã thống nhất chi mức thưởng Tết cho công nhân bình quân cao hơn so với năm trước đó từ 20 - 30%.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, Tết năm nay nhìn chung người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn. Qua thông kê của quận cho thấy có 32.000 công nhân trong 26 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do cắt giảm đơn hàng đã được bố trí nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên. Riêng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng có 1.200 công nhân thôi việc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã phối hợp cùng quận, Thành phố có những chính sách hỗ trợ tốt cho người lao động trước khi bước vào cao điểm Tết năm 2023. “Năm nay, Quận dự kiến chăm lo cho 26.026 công nhân lao động tương đương 8,6 tỷ đồng từ nguồn vận động. Ngoài ra, Quận cũng vận động các chủ nhà trọ quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động không có điều kiện về quê ăn Tết”, bà Dung chia sẻ.
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có gần 249.000 doanh nghiệp với hơn 2,8 triệu lao động, trong đó gần 1.600 công ty hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 333.000 người. Ngoài thưởng Tết, gần 42% doanh nghiệp còn hỗ trợ người lao động bằng các hình thức như lì xì, tổ chức xe đưa đón, chăm lo cho nhân viên khó khăn.
Để người lao động ai cũng được vui Xuân, đón Tết, các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã vận động và dành hơn 140 tỷ đồng chăm lo Tết cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động Tấm vé nghĩa tình, Tết sum vầy, Phiên chợ nghĩa tình…
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin dành gói hỗ trợ đặc biệt để chăm lo Tết cho người lao động bị ngừng việc, mất việc do doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản…
Thưởng Tết luôn là câu chuyện được đặc biệt quan tâm vào dịp Tết, bởi với người lao động đây là khoản tiền được mong chờ nhất trong năm. Có những doanh nghiệp mức thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có doanh nghiệp bằng một tháng lương cơ bản khiến không ít nhiều câu chuyện vui buồn.
Ai cũng muốn được thưởng Tết lớn, song người lao động cũng cần tự xem mình có đó góp gì hiệu quả cho đơn vị không, doanh nghiệp mình có ăn nên làm ra hay không? Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần quan tâm, xem người lao động là tài sản, là vốn quý để từ đó có giải pháp chăm lo tận tình, thiết thực, hiệu quả; qua đó không chỉ thể hiện năng lực của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh mà còn thể hiện được năng lực quản lý, điều hành, giữ chân người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp…./.