Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó, lúa là cây trồng chủ lực và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
(TTXVN) Thị xã Kiến Tường là đô thị loại 4, thuộc vùng biên giới của tỉnh Long An và có khu vực nông thôn mang tính đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười - đó là vùng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó, lúa là cây trồng chủ lực và chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm 2010, thị xã Kiến Tường bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Lúc này, đời sống và điều kiện sản xuất của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn; hộ nghèo khu vực nông thôn còn chiếm 7,17 %; hộ dân sử dụng nước sạch mới chỉ đạt 5,24%.
Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thị xã Kiến Tường có nhiều thay đổi. Trong đó, hệ thống hạ tầng được quan tâm đầu tư với 100% trục đường xã, ấp đã được nhựa và bê tông hóa, 100% trục chính nội đồng, đường ngõ xóm đã được cứng hóa.
Thị xã có 19/22 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, 100% các hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92%; có 92,05% số hộ dân được sử dụng nước sạch…
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 53,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,13%.
Ông Nguyễn Văn Nam (phường 1, thị xã Kiến Tường), phấn khởi cho biết, ngày nay thị xã đổi mới rất nhiều. Cách đây gần 10 năm, mỗi khi ai nhắc nơi này đều lắc đầu ngao ngán vì nằm ở vùng sâu heo hút. Nhưng nay, thị xã Kiến Tường đã thay da đổi thịt, đường xá đi lại thông thoáng, sạch đẹp; nhiều người đến đã không ngớt lời khen.
Còn bà Lê Thị Thu (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cho rằng, nhìn bộ mặt nông thôn bây giờ ở thị xã đã thấy được sự phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp chính quyền địa phương.
Có thể khẳng định, thị xã Kiến Tường có một vị trí địa lý khá thuận lợi với hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, gồm các trục đường chính là Quốc lộ 62, Tỉnh lộ 819 và Tỉnh lộ 831, tạo thuận lợi cho kết nối với các huyện trong tỉnh Long An và các tỉnh lân cận.
Hệ thống giao thông đường thủy có sông Vàm Cỏ Tây chảy qua, cũng là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa với các địa phương trong và ngoài khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường: Năm 2022, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Kiến Tường hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đây là niềm vinh dự và tự hào, song đây cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Do đó, thị xã Kiến Tường đang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân và cả hệ thống chính trị tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là tuyên truyền để người dân thấy rõ được vai trò chủ thể, cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Từ đó người dân tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, Kiến Tường tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất ở nơi đây tăng bình quân 5 năm, đạt 9,5%/năm; sản lượng lúa đạt 170.000 tấn/năm, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 120.000 tấn/năm.
Kiến Tường cũng củng cố nâng chất toàn diện 19 tiêu chí xã nông thôn mới ở 5 xã nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ít nhất 75 triệu đồng/người/ năm;…
"Thị xã Kiến Tường tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư sản xuất, thương mại vào khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp.
Đây là khu kinh tế được Chính phủ phê duyệt lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười với vị trí địa lý, thổ nhưỡng rất thuận lợi và nguồn nhân lực dồi dào, kể cả nguồn cung ứng nhân lực công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025, thị xã Kiến Tường đạt đô thị loại III", ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường cho biết./.
- Từ khóa:
- Đổi thay ở Long An