Kết quả nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân trong những năm gần đây nhận được nhiều đại biểu quan tâm.
TTXVN - Chiều 11/8, tại thành phố Nha Trang , Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức, đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Các hoạt động nghị sự xoay quanh các chủ đề về kết quả nghiên cứu, ứng dụng, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam, quốc tế trong những năm gần đây.
Tổng kết Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đánh giá cao các nội dung nghiên cứu, kinh nghiệm về hạt nhân được các đại biểu trong nước, quốc tế chia sẻ, đóng góp tại hội nghị. Một số lĩnh vực nghiên cứu đã sát với nhu cầu thực tế, như: ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế; nghiên cứu sản xuất đồng vị phóng xạ mới, hóa học phóng xạ, vật liệu hạt nhân; việc quản lý chất thải phóng xạ; các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền nhấn mạnh: Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế với các nước như: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, ASEAN về thủy - nhiệt lực, an toàn hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực hạt nhân…
Qua 3 ngày diễn ra, với sự tham dự của hơn 430 đại biểu, trong đó có 65 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế, Hội nghị đã có 150 báo cáo được thuyết trình trực tiếp. Nhiều báo cáo được đánh giá cao về nội dung và chất lượng nghiên cứu.
Qua 3 ngày diễn ra, với sự tham dự của hơn 430 đại biểu, trong đó có 65 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế, Hội nghị đã có 150 báo cáo được thuyết trình trực tiếp. Nhiều báo cáo được đánh giá cao về nội dung và chất lượng nghiên cứu.Trong khuôn khổ các phiên toàn thể, cuộc tọa đàm bàn tròn giữa Viện Năng lương Nguyên tử Việt Nam và Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (nước Nga) về kết quả nghiên cứu và triển vọng hợp tác giữa hai bên được tổ chức cùng Hội thảo IAEA chủ đề "Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của Chương trình hợp tác vùng (RCA) và các sáng kiến đổi mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Ngoài các phiên toàn thể, Hội nghị còn có các buổi làm việc riêng của 7 Tiểu ban chuyên môn, trao đổi về các lĩnh vực như: Công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân; Vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan; Vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia; Các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội; Ứng dụng bức xạ trong y tế, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp và môi trường...
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 16 sẽ được tổ chức vào năm 2025./.