Năm học mới 2023 - 2024: Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số
Học sinh dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1.
TTXVN - Để giúp các em học sinh có các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học, tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, các cơ sở giáo dục có học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung dạy tiếng Việt cho các em trước khi bước vào năm học mới 2023 - 2024.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Dung, huyện Sơn Tây đang tập trung dạy tiếng Việt cho 81 trẻ chuẩn bị vào lớp 1, trong đó phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp với UBND xã Sơn Dung vận động 100% trẻ vào lớp 1 đến trường học tiếng Việt dịp hè. Nhằm mang lại hiệu quả học tập, những bài học được các giáo viên soạn dựa theo giáo trình “Kế hoạch bài học chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Nguyễn Như Vy, giáo viên của trường cho biết, phần lớn trẻ vào lớp 1 khi chưa được tăng cường tiếng Việt đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Do đó, giáo viên chọn lọc những bài học phù hợp cho đối tượng học sinh của địa phương, giúp học sinh nghe, hiểu, biết trả lời những câu hỏi của giáo viên. Giáo viên còn trang bị cho các em kỹ năng cầm bút, ổn định nề nếp, lồng ghép làm quen với chữ cái.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây, kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ dịp hè được tổ chức trong khoảng 7 tuần. Các em sẽ được học nói những câu giao tiếp cơ bản, nhận diện được 29 chữ cái, 10 chữ số, biết cách cầm bút, ngồi học đúng tư thế, mạnh dạn trong giao tiếp và thực hiện đúng quy tắc, nề nếp học tập. Cùng với việc dạy học, giáo viên đã lồng ghép các hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trước khi vào lớp 1, giúp các em làm quen với nề nếp học tập ở cấp Tiểu học. Ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây cho hay, do đặc thù của địa phương, trước mỗi năm học, Phòng chủ động tổ chức dạy phụ đạo trong dịp hè cho học sinh dân tộc thiểu số, chuẩn bị vào lớp 1, giúp các em làm quen và biết đọc, biết viết tiếng Việt.
Học sinh dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ hằng ngày. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1. Do đó, các trường thường chọn những giáo viên người dân tộc ở địa phương hoặc người đã gắn bó lâu năm và có kinh nghiệm trong việc giảng dạy ở các vùng dân tộc thiểu số để dạy tiếng Việt cho các em. Nhờ đó, sau một thời gian giảng dạy, đa số các em đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời chương trình giáo dục.
Bà Đinh Thị Diệu Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Di Lăng số 2 (huyện Sơn Hà) chia sẻ, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên khi dạy trẻ học tiếng Việt phải linh hoạt trong mọi tình huống, rèn cho trẻ tự tin trong giao tiếp tiếng Việt; tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô và những người xung quanh. Trường còn cắt dán, in các chữ cái tiếng Việt lên các khu vực vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi”.
Bên cạnh đó, thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1 trong dịp hè, các trường còn đưa vào chương trình tích hợp dạy tiếng Việt ở các cấp học Mầm non, Tiểu học và trong các môn học. Bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho hay, giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, tuy chưa thể đạt 100% trẻ đến lớp giao tiếp bằng Tiếng Việt nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ có nhiều tiến bộ. Việc này giúp các em hứng khởi, tự tin học tập, giao tiếp. Vì vậy, ngành tiếp tục thực hiện giai đoạn II của đề án và đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi trên cơ sở tiếng mẹ đẻ./.