Giáo dục

Ninh Thuận: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ninh Thuận

Để giải quyết khó khăn cho người học, tỉnh Ninh Thuận thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; trong đó chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng là lao động đang thất nghiệp, thiếu việc.

TTXVN - Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, với xu thế hội nhập và sự phát triển của tỉnh hiện nay, đòi hỏi nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao rất lớn. Vì thế, tỉnh rất quan tâm, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ninh Thuận chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng lao động và cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Để giải quyết khó khăn cho người học, tỉnh Ninh Thuận thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; trong đó chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho cả đối tượng là lao động đang thất nghiệp, thiếu việc. UBND tỉnh đánh giá hoạt động mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, ngành nghề đào tạo, nhất là các nghề đáp ứng được nhu cầu và điều kiện phát triển của tỉnh hiện nay như năng lượng sạch; du lịch đẳng cấp cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và phát triển kinh tế đô thị…

Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thị trường lao động; chú trọng đưa 100% các nghề đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng phối hợp với ít nhất với một doanh nghiệp phù hợp với nghề đào tạo. Hằng năm, tỉnh tổ chức đối thoại “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chính sách trong giáo dục nghề nghiệp và tăng sự gắn kết trong giáo dục.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngoài các giải pháp trên, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo để phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn nghề theo các cấp độ, trình độ đào tạo; ưu tiên đầu tư cho Trường Cao đẳng thuộc địa phương quản lý để đạt một trường chất lượng cao.

Ninh Thuận hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo nghề trên 9.000 người/năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng đổi mới công tác đào tạo những ngành, nghề mà thị trường, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Các trường chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Việc tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp không những sẽ giải quyết được nhu cầu lao động phục vụ phát triển của tỉnh, mà còn góp phần giải quyết việc làm ổn định, bền vững cho người lao động tại địa phương. Đây là cơ sở để đến năm 2030, Ninh Thuận thu hút 50% học sinh Trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 40%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt từ 85 - 90%./.

Công Thử

Tin liên quan

Xem thêm