Xã hội

Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ hòa giải viên

Tính đến hết năm 2022, cả nước có trên 86 nghìn tổ hòa giải với trên 540 nghìn hòa giải viên. Đây là lực lượng rất to lớn đang thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Ông Phạm Văn Hòa (áo trắng) cùng các thành viên tổ hòa giải tổ dân phố số 29 trao đổi với bà Nguyễn Thị Phố để tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Phan Phương

TTXVN - Để thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh của mình, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ hòa giải viên, cả về năng lực, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn luật, về kiến thức, kỹ năng và phương pháp thực hiện hòa giải.

*Trách nhiệm, sâu sát

Thời gian qua, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại tổ dân phố số 29, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội luôn được giải quyết kịp thời. Tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt, an ninh trật tự ổn định có đóng góp rất lớn của các thành viên tổ hòa giải, trong đó có cá nhân ông Phạm Văn Hòa, Tổ trưởng tổ hòa giải.

Dù đã có rất nhiều vụ việc được hòa giải thành công trong hơn 10 năm qua, nhưng ông Hòa vẫn nhớ rõ từng vụ, với những khúc mắc, mâu thuẫn khác nhau mà người hòa giải cần phải có sự linh hoạt, "thấu tình đạt lý". Điển hình là vụ mâu thuẫn giữa bà Nguyễn Thị Phố với nhà liền kề liên quan đến việc đo đạc đất đai.

Bà Nguyễn Thị Phố (tổ dân phố số 29) cho biết, do gia đình bà và nhà hàng xóm không thống nhất về diện tích bức tường giữa hai nhà nên đã mời tổ hòa giải đứng ra giải quyết. Sau đó, tổ hòa giải và cả 2 gia đình đã cùng đo đạc lại, tháo gỡ vướng mắc, không để phát sinh tranh chấp.

Tại tổ dân phố, hầu hết các vụ tranh chấp đều liên quan đến đất đai, mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân gia đình… Để hòa giải thành công, các thành viên tổ hòa giải, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, nhận được sự tin yêu, tín nhiệm của bà con.

Bà Đào Thị Thanh Minh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 29 đánh giá, ông Hòa là người rất có uy tín, lời lẽ chuẩn mực nên được bà con trong tổ dân phố tin tưởng. Các vụ việc ông đảm nhiệm đều được hòa giải thành công với sự đồng thuận, vui vẻ giữa các bên.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, tổ dân phố số 29 là một trong những địa bàn có nhiều cuộc hòa giải thành, được đánh giá đạt chất lượng tốt. Ông Hòa là người có kinh nghiệm, nhiệt tình và đã hơn 10 năm làm công tác tổ dân phố cũng như hòa giải. Một trong những nội dung ông Hòa được đánh giá cao là công tác hòa giải về đất đai, giảm thiểu khiếu kiện vượt cấp, không gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Hòa chia sẻ, hòa giải viên yêu cầu tương đối tổng hợp như trách nhiệm, am hiểu pháp luật để vận dụng trong quá trình hòa giải, luôn luôn phải lắng nghe, sâu sát. Khi tiến hành hòa giải phải thật sự đứng giữa, không nghiêng về bên nào.

Ông Phạm Văn Hòa tra cứu, tìm hiểu pháp luật để vận dụng trong quá trình hòa giải.

*Bảo đảm điều kiện hoạt động cho hòa giải viên

Trong quá trình hòa giải ở cơ sở, với uy tín, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, các hòa giải viên luôn là cầu nối kết nối tình đoàn kết, yêu thương, hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn một cách “thấu tình đạt lý”.

Theo Bộ Tư pháp, tính đến hết năm 2022, cả nước có trên 86 nghìn tổ hòa giải với trên 540 nghìn hòa giải viên. Đây là lực lượng rất to lớn đang thực hiện sứ mệnh, trách nhiệm xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải hơn 100.000 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%. Điều đó khẳng định rằng, đội ngũ hòa giải viên đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, để có những hòa giải viên vừa tâm huyết, vừa có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, việc đầu tiên phải bắt đầu từ nhận thức, bởi có sự chuyển biến về nhận thức thì sẽ có sự chuyển biến về hành động. Các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn tới công tác này, có sự chỉ đạo sâu sát hơn, thường xuyên kiểm tra để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, cần có chương trình nâng cao kiến thức pháp luật cho hòa giải viên một cách thống nhất. Trung ương cần chỉ đạo điểm đối với các tỉnh, thành phố và trên cơ sở đó, ở địa phương sẽ tiếp nối, nhân rộng để nâng cao năng lực cho hòa giải viên. Việc tập huấn đối với hòa giải viên ở cơ sở cần thực hiện thường xuyên và định kỳ hơn.

"Nếu các địa phương có sự quan tâm, bố trí nguồn lực, kinh phí cho công tác này thì các điều kiện đảm bảo hoạt động cho các tổ hòa giải, hòa giải viên sẽ được thực hiện trong cuộc sống", bà Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh./.

Phan Phương

Tin liên quan

Xem thêm