Sau khi tham gia dự án YEA, tỷ lệ học sinh có kiến thức tốt hoặc xuất sắc về an toàn giao thông đã tăng từ 55,8% lên 80,6%.
TTXVN - Ngày 29/10, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai diễn ra Cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng Cung Đường Biết Nói” với sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh từ 9 trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đây là hoạt động của dự án Ứng dụng Kết nối thanh thiếu niên (YEA), do Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (Quỹ AIP) triển khai với sự tài trợ của Fondation Botnar – Quỹ thiện nguyện của Thụy Sĩ hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe và phúc lợi của những người trẻ ở các thành phố trên thế giới.
Tại sự kiện, các em học sinh có cơ hội thể hiện tài năng và sáng tạo của mình qua các tiết mục biểu diễn dựa trên nhạc và lời của MV Cung Đường Biết Nói. Các học sinh có thể lựa chọn cover Rap, cover Vũ đạo hoặc kết hợp cả hai để trình diễn. Các tiết mục được đánh giá theo các tiêu chí như sáng tạo, kỹ thuật, nội dung và tác động. Ban Giám khảo gồm các đại diện của Quỹ AIP, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải.
Tham gia cuộc thi thử thách sáng tạo, các học sinh không chỉ được vui chơi, học hỏi, mà còn được nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động vì những cung đường an toàn. Các tiết mục biểu diễn của các học sinh thể hiện sự sáng tạo, năng động và trách nhiệm của giới trẻ trong việc đối phó với những rủi ro an toàn giao thông hay gặp phải hàng ngày. Các em cũng chia sẻ được những ý kiến và mong muốn của mình về những cung đường an toàn hơn cho tương lai.
Em Nguyễn Hoàng Linh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, thành phố Pleiku, chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia sự kiện này. Em được học hỏi nhiều điều về an toàn giao thông, cũng như được biểu diễn tài năng của mình. Em mong rằng sự kiện sẽ giúp nâng cao nhận thức và hành động của mọi người về an toàn giao thông, đặc biệt là ở khu vực trường học. Em cũng hy vọng rằng ứng dụng YEA được phổ biến rộng rãi để thanh, thiếu niên có thể lên tiếng và đóng góp cho việc xây dựng những cung đường an toàn cho mọi người”.
Theo báo cáo của Quỹ AIP, sau khi tham gia dự án YEA, tỷ lệ học sinh có kiến thức tốt hoặc xuất sắc về an toàn giao thông đã tăng từ 55,8% lên 80,6%. Tỷ lệ học sinh có thái độ tích cực về an toàn giao thông cũng tăng từ 42,1% lên 58,6%.
“Chúng tôi rất vui khi được hợp tác với Quỹ AIP để tổ chức sự kiện này cho các học sinh. Đây là cơ hội để các em thể hiện sự sáng tạo và năng động của mình, đồng thời góp phần xây dựng những cung đường an toàn cho thành phố và đường phố tương lai. Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành của thanh, thiếu niên, chúng ta sẽ mang lại sự an toàn hơn cho bản thân và cộng đồng”, ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết.
Thông qua sự kiện, Quỹ AIP và các đối tác mong muốn tạo ra không gian an toàn, sáng tạo và thân thiện cho giới trẻ, nơi họ có thể tự tin lên tiếng và thể hiện bản thân. Cũng qua sự kiện có thể thấy được tiềm năng và vai trò của thanh, thiếu niên trong việc xây dựng những cung đường an toàn cho thành phố và đường phố tương lai.
YEA là ứng dụng di động cho phép thanh, thiếu niên xác định và báo cáo những nơi mà các em cảm thấy an toàn hay chưa an toàn cho cơ quan chức năng. Ứng dụng cũng cho phép các em chia sẻ những ý kiến và mong muốn của mình về những cung đường an toàn hơn cho tương lai. Ứng dụng YEA hiện đã và đang được triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Pleiku và Yên Bái từ tháng 12/2022./.