Ngành Tư pháp: Không ngừng phát triển, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Bộ, ngành Tư pháp đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, phản ứng chính sách kịp thời đối phó với dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển thông suốt của nền kinh tế.
(TTXVN) Với bề dày 77 năm xây dựng và trưởng thành (28/8/1945 - 28/8/2022), trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, công tác tư pháp đã không ngừng phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Giải quyết vấn đề pháp lý phát sinh do dịch COVID -19
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 13 bộ, trong đó, Bộ Tư pháp do Luật sư Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Những ngày đầu thành lập, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu để Chính phủ lâm thời ban hành nhiều sắc lệnh và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thiết lập hệ thống tư pháp của chế độ mới, đồng thời tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước nhà. Giai đoạn này, Bộ, ngành Tư pháp đã làm tốt công tác xây dựng, quản lý hệ thống tư pháp và đội ngũ thẩm phán, công tố, thi hành án của chính quyền non trẻ.
Từ năm 1986, thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành những đạo luật mang tính rường cột của nước nhà về dân sự, hình sự, xử lý vi phạm hành chính, về luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án dân sự… tạo tiền đề cho việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mở cửa, hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Những năm gần đây, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhiều, với yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng, tiến độ. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực, tác động tiêu cực của dịch COVID-19, toàn ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Thành tựu nổi bật là ngành đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội, chính quyền các cấp thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng. Tới nay, hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, ngành có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất những định hướng chính sách lớn, then chốt trong cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, nhất là trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tham mưu xây dựng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV .
Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp còn gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh do tác động của dịch COVID -19. “Đây là những vấn đề hết sức mới, rất khó và chưa có tiền lệ…”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nhận diện tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, kéo dài của đại dịch COVID-19; tham mưu, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tư pháp đã kịp thời thành lập Tổ công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng. Tổ công tác đã tích cực, chủ động trong tham mưu xây dựng các văn bản, chính sách phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, nhiều văn bản khác liên quan đến việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế và tiền thuê đất...
Đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhằm thích ứng linh hoạt với bối cảnh đất nước, tình hình phát triển - kinh tế xã hội, Bộ, ngành Tư pháp đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm tác nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quy trình hóa, mẫu hóa theo hướng khoa học, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong đó, việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” và các nhiệm vụ về công tác hộ tịch mà Bộ, ngành Tư pháp được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được toàn ngành quan tâm, tập trung thực hiện.
Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu khai sinh từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (hoàn toàn trên môi trường điện tử) tại tất cả các địa phương trên toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công an xây dựng Quy trình cấp định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng Quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến để thực hiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh/Cổng dịch vụ công cấp quốc gia…
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022, Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc…
Không chỉ trong lĩnh vực hộ tịch, nhiều lĩnh vực khác của ngành cũng có kết quả tích cực. Quy chế một cửa liên thông trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp và giấy phép lao động cho người nước ngoài được xây dựng; phần mềm đăng ký trực tuyến và áp dụng chữ ký số trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm đã góp phần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Các tổ chức bổ trợ tư pháp đã bố trí làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ, chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép hành nghề trong các lĩnh vực bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...
Có thể thấy rõ dấu ấn đậm nét của Bộ, ngành Tư pháp với những đóng góp thiết thực, cụ thể, nhất là trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, phản ứng chính sách kịp thời đối phó với dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển thông suốt của nền kinh tế.
Tiếp nối chặng đường vẻ vang 77 năm qua, thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong đó, toàn ngành tiếp tục cụ thể hóa những định hướng, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác rà soát, thẩm định, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đặc biệt, toàn ngành tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.../.