Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đã làm “nóng” nghị trường tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X.
Ngày 11/7, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2016, các đại biểu thảo luận tại tổ. Phiên thảo luận diễn ra trong không khí dân chủ, khách quan với tinh thần xây dựng cao. Cùng với các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, vấn đề về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đã làm “nóng” nghị trường tại Kỳ họp.
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nhân dân và cử tri đang rất quan tâm đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” tại tỉnh đang còn nhiều bất cập. Ngoài ra, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự thu hút học sinh. Cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn, thiếu giáo viên nên việc phân luồng tuyển sinh chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 5 trường Trung học phổ thông, 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Năm học 2024 - 2025, toàn huyện có hơn 2.000 học sinh có nhu cầu học lớp 10. Qua thi tuyển và các giải pháp của tỉnh, hiện đã giải quyết được nhu cầu của 1.800 em. Theo các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiến tới phải dần giảm số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, số lượng giáo viên giảm, số trường học và lớp học không tăng, số học sinh vào lớp 10 trên địa bàn huyện trong những năm qua ngày càng tăng. Đây là những thách thức của huyện trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay.
Theo đại biểu Y Nhuân Byă, những năm qua, để giải quyết nhu cầu học lớp 10, huyện đã chi ngân sách và giao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện mở thêm lớp, mượn cơ sở vật chất của các trường Trung học phổ thông để dạy và học, không để học sinh nào không có trường học, song chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt hiệu quả, tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và tăng số lượng giáo viên.
Tương tự, đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc cho biết, năm học 2024 - 2025, huyện Krông Pắc có 300 học sinh xét tuyển, thi tuyển vào lớp 10 không đạt, phân luồng vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên việc vận động học sinh vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên còn khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất thiếu thốn. Việc học sinh di chuyển lên thành phố Buôn Ma Thuột học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề vừa xa xôi, vừa khó khăn do phát sinh nhiều chi phí đi lại, ăn ở. Ngoài ra, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn học sinh. Đây là những thách thức đòi hỏi phải giải quyết kịp thời để công tác phân luồng đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, trước thực trạng, kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 ở tỉnh Đắk Lắk rất thấp, nhiều đại biểu cho biết cử tri tỏ ra rất lo lắng về chất lượng đào tạo hiện nay. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở dẫn đến tình trạng học sinh không được học trường Trung học phổ thông gần nhà, đây cũng là trăn trở, nỗi lo của nhân dân.
Các đại biểu cũng đề nghị, tỉnh xem xét mở các lớp bán công trong các trường Trung học phổ thông công lập; đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện công tác tuyển dụng phù hợp với giai đoạn hiện nay; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục...
Giải trình tại Kỳ họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, công tác tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông; thực hiện phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 12 trường Trung học phổ thông tổ chức thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10; các trường còn lại tổ chức xét tuyển. Đối với các trường ngoài công lập thì xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Đến thời điểm hiện tại, số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là 21.218 em (thi tuyển 4.663 em, xét tuyển 16.555 em). Số học sinh trúng tuyển vào tư thục là 2.043 em. Số học sinh vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các cấp là 3.683 em. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3.075 học sinh theo học các trường cao đẳng, trung cấp nghề (có 5 trường chưa báo cáo). UBND tỉnh đã tổ chức họp, thống nhất chủ trương tăng số học sinh lên 44 em/lớp. Như vậy, toàn tỉnh còn hơn 900 em học sinh (sau tốt nghiệp Trung học cơ sở) sẽ được bố trí, khuyến khích vào học tại các trường nghề.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh, bên cạnh chủ trương tăng chỉ tiêu và số lượng học sinh mỗi lớp để kịp thời giải quyết bất cập, ngành đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động sử dụng kinh phí được giao trong dự toán phân cấp để chi trả chế độ giảng dạy cho giáo viên (tăng thêm) và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục hiện nay. Đặc biệt, năm học 2025 - 2026, ngành dự kiến tuyển thêm 1.273 giáo viên, sẽ khắc phục về tình trạng thiếu giáo viên. Về lâu dài, ngành chủ trương thực hiện tốt công tác truyền thông về phân luồng sau Trung học cơ sở; làm tốt công tác dự báo nhu cầu và công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Ngành kiến nghị tỉnh nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các trường nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; mở rộng quy mô các trường công lập; tăng cường xã hội hóa giáo dục./.