Đồng bằng sông Cửu Long chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc sắc, có giá trị biểu tượng cho văn hóa vùng cũng như văn hóa quốc gia. Những lễ hội này góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa tâm linh, hướng về nguồn cội.
(TTXVN) Nằm ở phía Nam đất nước, trải qua quá trình hình thành và phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có kho tàng lễ hội phong phú, thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên vùng đồng bằng châu thổ.
* Dấu ấn đặc sắc về văn hóa
Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc cùng cộng cư và có vai trò quan trọng đối với sự hình thành bản sắc văn hóa toàn vùng. Các lễ hội ở đây chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc với loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp hội tụ các hình thức văn học, nghệ thuật biểu diễn, tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng, đức tin). Qua đó giúp gắn bó làng xã, địa danh, vùng đất, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng của địa phương.
Phó Giáo sư Phạm Tiết Khánh, Trường Đại học Trà Vinh phân tích, nơi đây chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc sắc, có giá trị biểu tượng cho văn hóa vùng cũng như văn hóa quốc gia. Trong đó có các lễ hội tiêu biểu như: cúng biển Mỹ Long, lễ Vu Lan thắng hội (lễ hội cúng ông Bổn Cầu Kè), lễ hội Ok Om Bok, Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, lễ hội cúng Neak Tà, Nghinh Ông và tục thờ cúng Quan Âm Nam Hải...
Tiến sỹ Hồ Thanh Hớn và Hồ Thị Cẩm Linh, Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1.230 lễ hội; trong đó, lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%. Các lễ hội cấp quốc gia như: Vía Bà chúa xứ Núi Sam (An Giang), kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau) hay các lễ hội thể hiện dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong vùng (như lễ hội Ok Om Bok, Sen Dolta, hội đua bò Bảy Núi của người Khmer; lễ Ramadan, Roya của người Chăm; cúng Bà Thiên Hậu của người Hoa). Ngoài ra, vùng còn có một số lễ hội quảng bá đặc sản vùng sông nước như: Dừa Bến Tre, Bánh dân gian Nam Bộ…
Theo Tiến sỹ Hồ Thanh Hớn và Hồ Thị Cẩm Linh, ở Đồng bằng sông Cửu Long, lễ hội được hình thành trong quá trình khai hoang vùng đất phương Nam của người Việt. Các lễ hội giúp người dân nâng cao ý thức về lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã khai hoang, mở cõi, nhắc nhở mọi người về trách nhiệm giữ gìn, xây dựng quan hệ tốt đẹp với người thân trong gia đình, làng xóm, cộng đồng nơi sinh sống. Qua đó, dần hình thành nên tính cách và văn hóa ứng xử của con người vùng đồng bằng như: hào sảng, chân thành, nhân nghĩa, sống chan hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các lễ hội chính là nơi tập trung trí lực, sức lực của các thành viên, tạo điều kiện để mọi người xích lại gần nhau, cùng chung tay cho việc chung của xóm làng, cộng đồng.
Đề cập đến những lễ hội văn hóa đặc sắc tại địa phương, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An thông tin, lễ hội Làm Chay, Vía bà Ngũ Hành và Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây ở Long An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Những lễ hội này góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa tâm linh, hướng về nguồn cội, liên kết cộng đồng, góp phần hình thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Long An nói riêng, Nam Bộ nói chung.
* Bảo tồn và lan tỏa giá trị
Coi trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương, trong đó có các lễ hội, coi đây là nguồn lực quý góp phần phát triển kinh tế - xã hội với quan điểm phát triển kinh tế gắn kết với phát triển văn hóa là định hướng đã và đang được các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, địa phương hiện có 18 di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Trên địa bàn còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng, hát sắc bùa Phú Lễ, nghề truyền thống làm bánh tráng Mỹ Lồng, nghề truyền thống làm bánh phồng Sơn Đốc. Quan tâm, gìn giữ các di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, tỉnh tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của các địa phương, nghề thủ công truyền thống, các lễ hội tiêu biểu… Bến Tre kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tổ chức trưng bày, trình diễn, giới thiệu, truyền dạy các loại hình di sản đặc sắc, có nguy cơ mai một; hình thành và định hình một số nội dung biểu diễn, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu xã hội, mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cao.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An cho hay, bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội, bản sắc đặc trưng của vùng đất Long An nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh coi trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức và quảng bá di sản, thực hiện dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền, quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, ấn phẩm để giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều di tích (cũng chính là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống) đã trở thành nơi “về nguồn” của thanh, thiếu niên, học sinh trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tích cực kết nối, đưa các di tích, lễ hội vào các tuyến du lịch trong dự án phát triển lĩnh vực này của tỉnh; góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc sắc của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tỉnh Trà Vinh cũng có nhiều lễ hội truyền thống của người Kinh, Khmer, Hoa như: cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang), cúng biển Động Cao (huyện Duyên Hải), lễ Vu Lan thắng hội, lễ Sel Dolta, Ok Om Bok. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum, các di sản văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng là tài nguyên quý luôn được địa phương quan tâm bảo tồn; là nền tảng để tỉnh hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, chương trình chuyên đề di sản. Đây là những tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo và hình thành nên các “trải nghiệm du lịch” độc đáo cho du khách đến với Trà Vinh. Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị của lễ hội, di sản văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Vì vậy, công tác khai thác và phát huy giá trị di sản gắn với du lịch được tiến hành song song với công tác bảo tồn và trùng tu. Bên cạnh đó, việc tận dụng và phát huy sức mạnh của công nghệ theo xu hướng du lịch thông minh cũng là vấn đề được tỉnh quan tâm nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và quảng bá hệ thống di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội đến du khách gần xa.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Hồ Thanh Hớn và Hồ Thị Cẩm Linh, Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chính quyền các địa phương trong vùng cần rà soát, đánh giá lại các lễ hội theo hướng tiếp tục gìn giữ, phát huy nhằm bảo đảm được giá trị văn hóa truyền thống, nếp sống văn minh. Các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổ chức lễ hội, đảm bảo các sinh hoạt tín ngưỡng, vui chơi, giải trí phù hợp, lành mạnh; ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi hay truyền bá mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa các địa phương chú trọng phổ biến, trình diễn các loại hình lễ hội đặc sắc trong cộng đồng dân cư, tạo sức sống lâu bền, lan tỏa các giá trị văn hóa để mỗi người dân địa phương là một “đại sứ lễ hội”, nắm được nội dung cốt lõi của lễ hội truyền thống cùng kỹ năng thực hành, trình diễn các nghi thức để giới thiệu đến du khách, bè bạn gần xa./.