Môi trường

Phát triển rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Lào Cai

Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Lào Cai xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng.

Hình thành vùng nguyên liệu theo hướng tiêu chuẩn gắn với hệ thống cơ sở chế biến, đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 15.500 ha quế đạt chứng chỉ hữu cơ. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Lào Cai đã từng bước thay đổi tư duy nhận thức cho người dân về phát triển ngành lâm nghiệp từ trồng rừng khai thác lâm sản sang phát triển rừng để thu lợi từ giá trị đa dụng của rừng, khiến rừng thực sự trở thành "vàng". Đây là hướng đi hiệu quả vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân vừa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Phát triển rừng bền vững

Là tỉnh miền núi, diện tích đất có rừng của Lào Cai chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên. Lào Cai đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn phát triển rừng bền vững. Gần đây nhất là Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp xác định lấy cây quế làm sản phẩm chủ lực và phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng là trọng tâm.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng và lâm sản ngoài gỗ với hơn 3.700 ha (sa nhân tím, chè dây, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, thuốc tắm...), đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho đồng bào vùng cao. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng cũng tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động; trong đó, hơn 25.000 lao động ổn định và 18.000 lao động thời vụ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2023 đạt 3.328 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng so với năm 2022.

Hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Rừng cung cấp thức ăn, nguyên liệu gỗ, nước sạch cho sinh hoạt; điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng không khí, kiểm soát xói mòn, hấp thụ các-bon; cung cấp môi trường du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, xã hội thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững… Nhận thức được đầy đủ vai trò quan trọng của tài nguyên rừng, Lào Cai đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng để tận dụng có hiệu quả và phát triển mạnh mẽ giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Nâng cao chất lượng trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để thay thế, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đến năm 2025 năng suất rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Đề án "Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Lào Cai xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; nâng cao năng suất chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng 47% so với năm 2021.

Lào Cai phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025, đạt 35% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050; phấn đấu tăng giá trị thu nhập từ diện tích rừng trồng sản xuất hàng hóa tập trung từ 34 triệu đồng/ha/năm (năm 2020) lên 40 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và đạt trên 45 triệu đồng/ha/năm vào năm 2030.

Địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững theo hướng nông - lâm kết hợp; phấn đấu đến năm 2030, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng; đến năm 2030, giá trị từ dịch vụ môi trường rừng chiếm từ 20 - 30% giá trị sản xuất lâm nghiệp hằng năm.

Để đạt được các mục tiêu đó, địa phương sẽ phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp đạt trên 115.000 ha và tiếp tục nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu. Đặc biệt, đối với cây quế, Lào Cai xác định tập trung phát triển nguồn nguyên liệu quế ổn định ở mức trên 66.000ha vào năm 2030, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu các cơ sở chế biến. Ngoài ra, Lào Cai duy trì diện tích dược liệu lâu năm dưới tán rừng trồng khoảng 2.700ha; phấn đấu 100% diện tích dược liệu dùng làm thuốc được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận GACP-WHO.

* Đưa quế xuất khẩu sang các nước

Chuẩn bị nguyên liệu quế để cung cấp cho doanh nghiệp ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Quế là cây lâm sản ngoài gỗ đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho Lào Cai những năm qua. Mỗi năm, Lào Cai sản xuất khoảng 8.100 tấn vỏ, 74.000 tấn cành lá để chế biến tinh dầu quế, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Ngoài ra còn thu 45.000 m3 gỗ tròn và 480 tấn tinh dầu; tổng giá trị đạt khoảng gần 800 tỷ đồng. Vùng trọng điểm quế được xác định tại 4 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279 ha (chiếm 88,78% diện tích quế toàn tỉnh).

Riêng huyện Bảo Yên có hơn 25.000 ha quế, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, với tổng thu hàng trăm tỷ đồng. Địa phương xác định, phát triển cây trồng chủ lực này cần phải gắn với chế biến, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế đất đồi rừng.

Gia đình bà Hoàng Thị Tơ, bản Na Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên trồng quế từ năm 2015 với nguồn cây giống được hỗ trợ từ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên. Sau 8 năm, diện tích quế gia đình bà lên đến 6 ha. "Quế 6 tuổi bắt đầu cho thu hoạch, kinh tế người dân trong bản khấm khá lên nhiều nhờ quế", bà Tơ phấn khởi cho biết.

Người dân ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà thu hoạch quế. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bảo Yên tích cực mời gọi các doanh nghiệp vào cùng nông dân thực hiện quy trình canh tác quế hữu cơ, làm tốt công tác quy hoạch phát triển vùng trồng, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Kết quả, người trồng quế có được nguồn thu ngày càng lớn hơn từ khi liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất. Cùng với đó, tư duy vể phát triển lâm nghiệp của người dân cũng đã thay đổi mạnh mẽ. Trước đây để trồng quế, nông dân còn trông đợi vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng hơn 10 năm nay, cây quế mang lại giá trị kinh tế cao, người dân đã chủ động tự đầu tư.

Đánh giá về các sản phẩm quế Lào Cai, bà Nguyễn Thị Phương Liên, Giám đốc chứng nhận Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam cho biết, chất lượng quế Lào Cai rất tốt, hàm lượng tinh dầu đạt chỉ tiêu và các giá trị khác trong cây quế Lào Cai không thấp hơn những vùng được đánh giá cao như Yên Bái và Quảng Nam. Lào Cai rất có tiềm năng để phát triển ngành hàng quế.

Với diện tích rừng rộng lớn, xu hướng phát triển du lịch sinh thái đồi rừng gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh ở Lào Cai. Cinnamon Eco Lodge nằm cách trục đường chính xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên không xa nhưng khi bước chân đến đây lại có cảm giác tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Bốn bề đều là rừng quế. Gia đình chị Minette - khách du lịch đến từ Pháp - vô cùng thích thú khi có chuyến trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái quế Cinnamon Eco Lodge. "Gia đình đã có một trải nghiệm thú vị khi được xem người dân trồng quế, cùng chặt quế, bóc quế, thăm đời sống của người dân và cùng nấu những món ăn hấp dẫn từ quế", chị Minette chia sẻ.

Để đảm bảo lợi ích cho người dân, địa phương thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng địa phương, khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa, đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng đối với cộng đồng địa phương. Đồng thời, phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đối với đồng bào dân tộc, người dân miền núi, người dân sống trong và gần rừng./.

PV

Xem thêm