Toàn thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có 2.350 mô hình tự quản bảo vệ môi trường, 2.100 mô hình thực hiện nếp sống văn minh.
Ngày 5/6, tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động Vì môi trường” và “Ngày Môi trường thế giới” với chủ đề: “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn minh và sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của các thế hệ người Việt Nam; đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...
Các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chức sắc, tín đồ tôn giáo và các tầng lớp nhân dân các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Cùng với các cấp, ngành của thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, từng bước tạo thói quen, nếp sống ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, năm 2024, Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo, MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đến nay, toàn thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, có 2.350 mô hình tự quản bảo vệ môi trường, 2.100 mô hình thực hiện nếp sống văn minh.
Tại nhiều địa phương, đã xuất hiện những mô hình hay, cách làm phù hợp, như: “Tổ dân phố văn minh- an toàn- tự quản”; “Con đường bích họa trong trật tự văn minh đô thị”; “Khu dân cư không có tụ điểm rác, chân rác, quảng cáo, rao vặt trái phép”..,. tạo cảnh quan nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp và được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, góp phần vào kết quả chung trong thực hiện Cuộc vận động của toàn thành phố.
Đáng chú ý, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã phát huy vai trò trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, với phương châm: “Mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo là một sứ giả về bảo vệ môi trường, đồng bào có đạo, nhân dân là những người hưởng ứng tích cực”.
Kết quả, đến nay, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng tôn giáo, đem lại hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, các đại biểu tham gia hoạt động trồng cây xanh chống biến đổi khí hậu và thả cá... nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới./.
- Từ khóa:
- bảo vệ môi trường
- Hà Nội
- trồng cây xanh
- nước sạch