Theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, từ tháng 4 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận và khám cho hơn 180 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, có hơn 120 ca điều trị nội trú.
TTXVN - Năm nay, bệnh tay chân miệng được đánh giá là đến sớm hơn và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, nguy hiểm. Nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp mắc và tử vong, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tập trung khu vực có số mắc bệnh cao, nguy cơ bùng phát dịch.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, từ tháng 4 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận và khám cho hơn 180 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, có hơn 120 ca điều trị nội trú. Khoa Truyền nhiễm liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, trong đó có ca phải thở máy. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 10-15 bệnh nhân tay chân miệng. Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh từ tháng 4 đến nay, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Bác sĩ Vũ Thị Son, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, bệnh tay chân miệng có nhiều dấu hiệu để nhận biết như: Nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng, sốt cao liên tục không hạ, dễ nôn ói, run tay run chân, đi không vững, thở mệt, ngủ thường bị giật mình. Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh, do đó, để chủ động phòng, chống, những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi và các điểm giữ trẻ cần đặc biệt lưu ý thực hiện giải pháp phòng, chống bệnh, trong đó, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là biện pháp quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C, bác sĩ Vũ Thị Son khuyến cáo.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Y tế chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tay chân miệng, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh. Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân. Đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh chân tay miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở./.
- Từ khóa:
- y tế
- bệnh tay chân miệng