An sinh

Tạo cơ hội cho phạm nhân tìm việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng

Ninh Bình

Trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho phạm nhân, giúp họ có cơ hội tìm việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng.

Tại Trạm giam Ninh Khánh tổ chức hướng nghiệp dạy các nghề như đan lát, may công nghiệ, mộc, đá mỹ nghệ...Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Thời gian qua, việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho phạm nhân tại Trại giam Ninh Khánh, thuộc Bộ Công an, đặt tại tỉnh Ninh Bình, đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề, cải thiện đời sống, tạo điều kiện về tâm lý lao động phù hợp cho phạm nhân, nâng cao thái độ chấp hành cải tạo. Phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù cũng có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.

Ngoài công tác quản lý giam giữ, giáo dục cảm hóa phạm nhân, thời gian qua, Trại giam Ninh Khánh còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cũng như hướng nghiệp để phạm nhân được học tập, cải tạo, giúp họ sớm trở về với gia đình và xã hội. Những năm 2000, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Trại giam Ninh Khánh đã từng bước khắc phục khó khăn, tìm kiếm việc làm để nâng cao đời sống cho phạm nhân; đẩy mạnh liên kết truyền nghề, góp phần xóa bỏ các ngành nghề lao động vất vả, hướng cho phạm nhân lao động trong nhà xưởng, theo dây truyền, có ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Hiện nay, Trại giam Ninh Khánh đang quản lý gần 4.500 phạm nhân. Trại có trung tâm dạy nghề với nhiều nghề như cơ khí, mộc, may, xây dựng… Việc đào tạo nghề chủ yếu là lao động trong nhà xưởng và các phạm nhân được bố trí công việc phù hợp với giới tính, độ tuổi, sức khỏe theo quy định. Trại giam Ninh Khánh đã tổ chức các lớp học lý thuyết với các chương trình đào tạo phù hợp với các trình độ sơ cấp nghề, thời gian đào tạo là 3 tháng. Thông qua các lớp dạy nghề, Trại đã trang bị cho phạm nhân những kiến thức nghề nghiệp, tạo điều kiện cho họ có nghề nghiệp khi tái hòa nhập cộng đồng. Trại cũng trang bị đầy đủ quần áo, đồ dùng bảo hộ lao động, không để xảy ra trường hợp phạm nhân bị tai nạn lao động. Trại còn tạo điều kiện để phạm nhân được học các nghề phổ thông khác như trồng rau, chế biến thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Từ thực tế các đối tượng khi phạm tội chủ yếu là đang trong độ tuổi lao động, công tác dạy nghề tại Trại giam Ninh Khánh được đặt ra với yêu cầu cấp thiết để người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian cải tạo tại trại giam, các phạm nhân là người chưa thành niên, người trong độ tuổi lao động chưa có nghề nghiệp, những phạm nhân có thời gian chấp hành án dưới 5 năm và các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù sẽ được ưu tiên học nghề. Phạm nhân Bùi Thùy Trang (quê ở Hà Nam) cho biết: “Trong quá trình thi hành án, được sự quan tâm của Ban Giám thị trại giam, tôi đã được tạo điều kiện học nghề may. Việc học nghề giúp tôi có định hướng mới khi hết hạn tù, có thể làm việc có ích cho gia đình, xã hội; đồng thời nhận thức được giá trị của sức lao động”.

Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của trại giam. Việc các trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên trong môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Những năm qua, việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đặc biệt quan tâm. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngày càng được quan tâm, hỗ trợ.

Đại úy Ngô Thị Thanh Huyền, cán bộ quản giáo Trại giam Ninh Khánh nhấn mạnh, việc xây dựng nội dung chương trình học tập nghề phù hợp giúp phạm nhân dễ dàng tiếp cận ngành nghề mới, yên tâm tin tưởng cải tạo, học nghề, bớt suy nghĩ mặc cảm, tự ti cũng như ý nghĩ trốn trại, vượt ngục, mà phấn đấu để hoàn lương, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Tại Trại giam Ninh Khánh, thời gian qua, việc đào tạo nghề cho phạm nhân đạt những kết quả đáng khích lệ. Số lượng phạm nhân tham gia đào tạo nghề tăng dần, trại giam đã cấp chứng chỉ cho nhiều phạm nhân đạt yêu cầu về ngành nghề được tham gia đào tạo trong quá trình chấp hành án tại trại giam. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã chủ động phối hợp với nhiều đơn vị có chức năng giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức hướng nghiệp, đào tạo nghề và cấp chứng chỉ nghề điện dân dụng, điện tử dân dụng, may công nghiệp cho 838 phạm nhân. Ngoài ra, đơn vị tổ chức dạy nghề cho hơn 2.000 lượt phạm nhân về các nghề may công nghiệp, đan lát, gia công đá mỹ nghệ, gia công mộc, thêu... Kết quả này đem lại hy vọng cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù, trở về với xã hội, có khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp, giảm nguy cơ tái phạm tội.

Thượng tá Trần Thị Huyền, Phó Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, hoạt động đào tạo nghề cho phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam góp phần nâng cao hiểu biết, trang bị những kiến thức cơ bản, phổ cập kiến thức ngành nghề cho phạm nhân, giúp họ có niềm tin vào chính sách tái hòa nhập của Đảng, Nhà nước, đồng thời xóa dần những mặc cảm cũng như tâm trạng chán chường khi rơi vào vòng lao lý tù tội. Đào tạo nghề giúp phạm nhân có nghề trong tay để khi trở về xã hội có thể tìm việc làm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước, tránh tái phạm. Đây là hoạt động mang tính xã hội cao, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo điều kiện cho phạm nhân sau này hòa nhập với xã hội. Qua khảo sát đánh giá của các địa phương, nhiều phạm nhân được ra tù hoặc được đặc xá đã phát huy tốt tay nghề được học trong trại, nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm.

Thời gian tới, để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trại giam Ninh Khánh tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lí đào tạo nghề và phương pháp thực hiện. Trại cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù./.

Thùy Dung

Xem thêm