Tỉnh cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về lợi thế, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, đề xuất kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương để có định hướng, chủ trương trong việc cải thiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Ngày 8/7, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ 37, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong 6 tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Hùng Thái, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế tăng trưởng tích cực với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 29.792 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 6.375 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán, tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương gần 5.000 tỷ đồng, đạt 44,7% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ đạt hơn 58.500 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 3,4 triệu lượt khách. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.845 tỷ đồng, đạt 80,2% so với kế hoạch, tăng 34,1% so với cùng kỳ.
Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, xếp hạng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đứng thứ nhất về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ; giá trị sản xuất của các ngành đều tăng. Trong đó, sản xuất của ngành Công nghiệp tăng 13,5%; thu hút vốn đầu tư trong nước tăng cao 97%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng khá cao, tuy nhiên nếu không tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng, có nguy cơ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2024.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chỉ tiêu tăng trưởng đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 có khả năng không đạt do nhiều yếu tố, đặc biệt là ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19; cải cách hành chính, chuyển đổi số còn hạn chế. Trong đó, việc công khai hóa thủ tục hành chính ở nhiều đơn vị còn mang tính hình thức, chưa đầy đủ và thực chất, nhất là chưa cập nhật kịp thời các văn bản mới. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm, còn biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, đặc biệt liên quan đến thủ tục đất đai. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa đạt ở mức bình quân chung của cả nước. Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh còn thấp. Trung tâm quản lý điều hành thông minh (IOC) chưa đạt yêu cầu; môi trường đầu tư cải thiện chưa nhiều…
Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đề nghị, Đảng bộ tỉnh cần nhìn nhận khách quan về các tồn tại, hạn chế để khắc phục, tập trung thực hiện nhiệm vụ giải pháp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, tiến tới đặt ra kế hoạch cần thực hiện trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh, trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Toàn tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ mục tiêu trong Quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh tiến độ giải ngân và xây dựng đầu tư công; tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm với các chủ đầu tư, nhà thầu thiếu trách nhiệm, kéo dài, không đảm bảo tiến độ dự án.
Tỉnh cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về lợi thế, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, đề xuất kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương để có định hướng, chủ trương trong việc cải thiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương, khai thác tiềm năng du lịch của địa phương...
"Triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, căn cứ vào kế hoạch, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương xác định mục tiêu phát triển có thể triển khai ngay trong giai đoạn trước mắt cũng như trong giai đoạn lâu dài để phục vụ cho xây dựng văn kiện Đảng bộ các cấp trong thời gian tới", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, nhất là các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đến cuối năm 2024. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng chủ trương, tiến độ các dự án đã được phê duyệt; tập trung nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư, tăng cường mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của địa phương cũng như triển khai các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư để đưa dự án đi vào hoạt động./.
- Từ khóa:
- Tây Ninh
- Đại hội Đảng
- phát triển
- kinh tế
- xã hội