Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều điểm check-in được lựa chọn, ưa thích trong dịp Tết Giáp Thìn 2024
Đây cũng là lý do khiến nhiều địa điểm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh như hồ Con Rùa, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành... trở nên đông đúc, tấp nập.
TTXVN - Năm nay, xu hướng chụp ảnh với áo dài đã tạo nên cơn “sốt” trong giới trẻ. Đây cũng là lý do khiến nhiều địa điểm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh như hồ Con Rùa, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành... trở nên đông đúc, tấp nập trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Từ năm 2023, khu vực trước cửa Nam chợ Bến Thành được tổ chức lại luồng giao thông, tạo khoảng không gian rộng lớn, thu hút người dân và du khách tham quan chụp ảnh. Chợ Bến Thành được nhiều người dân, nhóm bạn trẻ lựa chọn làm bối cảnh cho những tấm ảnh chụp áo dài mang hơi hướng cổ điển.
Cùng đi với nhóm bạn, anh Ôn Đỗ Đình Thọ (25 tuổi) chia sẻ: “Chợ Bến Thành là biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh nên trước thềm Tết Nguyên đán 2024, tôi muốn cùng bạn bè lưu giữ những bức ảnh đẹp tại đây. Để phù hợp với bối cảnh, cả nhóm thống nhất chọn trang phục áo dài”.
Tương tự, Trung tâm thương mại Diamond (góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, Quận 1) được trang hoàng không gian Tết, chào đón du khách đến chụp ảnh, check-in. Nhiều người dân, du khách cũng chọn Hồ Con Rùa (Quận 3) làm địa điểm lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp. Theo nhiều người dân, đây là các địa điểm không tốn phí, ở gần trung tâm nên rất thuận tiện di chuyển đến nhiều nơi khác để chụp. Nhiều người không ngần ngại đầu tư thời gian, trang phục và tiền bạc để sở hữu những bộ ảnh đẹp nhất. Không khí Tết nhộn nhịp ở nơi đây cũng thu hút những du khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh. Họ bày tỏ sự thích thú khi thấy các bạn trẻ xúng xính trong tà áo dài.
Nằm khá xa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh là Bảo tàng Áo dài (thành phố Thủ Đức) – nơi đây cũng là một điểm đến được nhiều người dân lựa chọn, ưa thích. Vào mỗi dịp cuối tuần, rất đông các bạn trẻ đã tới đây để chụp ảnh, tham quan.
Với mong muốn truyền tải những hình ảnh văn hóa và con người Việt Nam trong mỗi dịp xuân về, năm nay, Bảo tàng Áo dài trang trí nhiều tiểu cảnh, không gian mang đậm chất phong cách Tết xưa của người Việt. Ngoài các không gian mang nét truyền thống, trưng bày hiện vật cổ, tại khuôn viên Bảo tàng còn có vườn hoa hướng dương. Nhiều bạn trẻ chuẩn bị thêm các phụ kiện như nón lá, ô giấy, quạt... để có những bức ảnh đẹp.
Chị Bùi Huyền Trang (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, đây là một địa điểm lý tưởng để chụp ảnh vì không quá đông đúc như các địa điểm trong nội thành. Dù quãng đường khá xa nhưng khi đến đây thấy rất vui vì xung quanh Bảo tàng góc nào cũng chụp ảnh đẹp. Chụp ảnh mỗi dịp Tết đến đã là thói quen được chị duy trì qua nhiều năm.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết, trung bình mỗi ngày cuối tuần, nơi đây đón khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Đa số khách đến Bảo tàng trong những ngày này đều là các bạn trẻ, đi theo nhóm. Trong thời gian tới, nhằm phục vụ du khách, Bảo tàng sẽ trang trí thêm nhiều tiểu cảnh, tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Bảo tàng Áo dài nằm trên đường Long Thuận, thành phố Thủ Đức, được thành lập năm 2014, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Nơi đây có không gian rộng hơn 20.000m2, nhiều cây xanh, tiểu cảnh và khu vực trưng bày áo dài, luôn là địa điểm được các bạn trẻ “săn đón” để chụp ảnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Đối với người dân Thành phố Hồ Chí Minh và khách du lịch thì Vườn mai và Phố Ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên (Quận 1) vào mỗi dịp Tết là điểm đến không thể bỏ qua. Đây là địa điểm được nhiều người trông chờ để thỏa sức chụp hình và đắm mình trong những không gian rực rỡ sắc xuân. Đến thời điểm này, các hạng mục thi công Phố ông đồ cơ bản đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào phục vụ người dân.
Theo Ban tổ chức, Phố ông đồ năm nay có hơn 100 gốc mai có chiều cao 2 m được bố trí theo hàng dọc chạy từ ngoài cổng vào phía trong Nhà văn hóa Thanh niên. Điểm khác biệt ở Vườn mai năm nay là bố cục sắp xếp nằm ở trung tâm theo hình vuông thay vì hình tròn như năm trước. Ngoài Vườn mai vàng, tại không gian làng nghề, Ban tổ chức đã dùng 600 chậu gốm, trên 300 chiếc nón lá cùng 500 m chiếu dệt sắp chồng lên nhau theo hình thức đa thị giác tạo cảm giác vừa truyền thống vừa hiện đại.
Phố Ông đồ là tiểu cảnh trong khuôn viên Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn tại Nhà văn hóa Thanh niên, diễn ra từ ngày 24/1 – 14/2 (tức mùng 5 Tết). Cùng với tuyến phố này, nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra gồm đường mai vàng, các không gian nghệ thuật sắp đặt sắc màu ngày Tết, hoạt động tình nguyện, cộng đồng… hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều không gian, tiểu cảnh văn hóa sinh động, đa dạng./.