Năm 2023, tùy thuộc sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn, nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 280.000 - 300.000 lao động.
TTXVN - Ngày 4/2, Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự tính: Lực lượng lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 là hơn 4,8 triệu người, chiếm hơn nửa tổng số dân của địa phương. Trong đó, lao động nữ ước tính hơn 2,2 triệu người, chiếm 46,17%; lực lượng lao động ở thành thị là hơn 3,7 triệu lao động, chiếm 77,8%; khu vực nông thôn là hơn 1 triệu người, chiếm 22,3%.
Năm 2023, tùy thuộc sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn, nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 280.000 - 300.000 lao động hoặc từ 300.000 - 320.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 72.000 - 79.000 chỗ làm việc hoặc 79.000 - 87.000 chỗ làm việc.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo và tập trung ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu, chiếm 57,69%. Cụ thể, các ngành thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế.
Nhu cầu nhân lực ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh như: cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su… chiếm 20,31%. Các nhóm ngành nghề khác còn lại chiếm 22,01%.
Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, năm 2022, Thành phố có hơn 2,5 triệu lao động làm trong các doanh nghiệp. Trong đó có hơn 1,9 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm tỷ lệ 73,65%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hơn 556.000 lao động, chiếm 21,54%; doanh nghiệp nhà nước có hơn 124.000 lao động, chiếm 4,81%.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ thương mại chiếm 68,95%; khu vực, công nghiệp, xây dựng chiếm 30,96%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy hải sản chiếm 0,09%. Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao như: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản. Nhiều người lao động tại Thành phố có nhu cầu tìm việc nhiều ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại, hành chính văn phòng, kế toán, nhân sự, marketing…
Nhu cầu tuyển dụng đã qua đào tạo chiếm 85,78% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 20,19%; cao đẳng chiếm 19,55%; trung cấp chiếm 28,64%; sơ cấp chiếm 17,4% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,22%.../.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- nhu cầu nhân lực