Xã hội

Tọa đàm ra mắt sách "Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và tôi'

TP. Hồ Chí Minh

Cuốn sách vừa chia sẻ mô hình giáo dục, một số góc nhìn riêng của tác giả Giản Tư Trung, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam...

Tiến sỹ Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Đích đến của giáo dục là con người tự do, là công dân có trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Để đạt mục đích này, giáo dục cần giúp người học phát triển năng lực văn hoá; năng lực công dân và năng lực chuyên môn.

Đây là nội dung trọng tâm của tọa đàm và ra mắt sách "Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và tôi" do Viện Giáo Dục IRED và tác giả Giản Tư Trung tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/5.

Theo Tiến sỹ Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE, "Phương pháp Sư Phạm" luôn linh hồn và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và từng ngôi trường dù ở bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ, muốn đào tạo ra những con người như thế nào thì cần áp dụng những "Phương pháp sư phạm" tương ứng.

Do vậy, sư phạm là một trong những vấn đề quan trọng và quan trọng hơn hết đối với các nhà giáo và cả phụ huynh là phương pháp sư phạm. Trong đó, thầy cô giáo đóng vai trò trọng yếu để thực hiện công việc giáo dục và vai trò của nhà giáo tốt….

Tiến sỹ Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhà trường, thầy cô và phụ huynh dù có rất nhiều cố gắng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi chính mình. Nhưng sẽ luôn khả thi khi nếu nhà trường, thầy cô giáo hay phụ huynh có thể giảng dạy tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua và liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy của mình theo hướng ngày một nhân văn hơn và hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay tốt hơn, nếu mình muốn và trong lĩnh vực giáo dục ai cũng có thể trở thành một người thầy tốt hơn, chỉ cần mình đủ muốn...

"Trong sự học thời nay, học để biết nhiều là điều vô cùng đáng quý, nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết. Do vậy, đưa những gì mình biết (về giáo dục và sư phạm) vào cuộc sống (thực tế giảng dạy) mới là bước ngoặt thật sự trong sự học của các thầy cô giáo, của các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục", Tiến sỹ Giản Tư Trung chia sẻ.

Tiến sỹ Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE ký tặng sách cho độc giả. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Kim Ngọc, Viện Giáo Dục IRED, cũng nhìn nhận cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu giáo viên và 25 triệu sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, trên hầu hết các kệ sách của các nhà xuất bản, nhà sách hay thư viện phần lớn là sách giáo dục, sách dạy làm kinh doanh nhanh, làm kinh tế giỏi, sách chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho chính mình, làm giàu nhanh, nhưng sách về phương pháp sư phạm gần như vắng bóng…

Chính vì thế, cuốn sách "Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và tôi" vừa chia sẻ mô hình giáo dục, một số góc nhìn riêng của tác giả Giản Tư Trung vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp. Từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn, nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên phương diện "Phương pháp Sư phạm" và giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn.

Theo Viện Giáo Dục IRED, "Sợi chỉ đỏ" xuyên suốt của cuốn sách này là tư tưởng cốt lõi: "Dạy chính là giúp người khác học" và "Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người". Vậy nên, người dạy sẽ "giúp người khác học" thế nào để họ có thể biết cách "Tự lực khai phóng" bản thân, có thể "Tự lực khai mở tâm trí và Giải phóng Tiềm năng" của chính mình suốt đời. Hay nói cách khác, cuốn sách này gợi mở một phương pháp luận để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi bậc phụ huynh có thể tham khảo và tự mình đưa ra triết lý giáo dục của mình để "dạy trò", "dạy con" và cả tự "dạy mình".../.

Thanh Vũ

Xem thêm