Văn hóa

Trao đổi khoa học quốc tế về gốm sứ thời Nguyên - Minh tại Hoàng Thành Thăng Long

Hà Nội

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

(TTXVN) Sáng 26/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế “Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh tại Hoàng thành Thăng Long" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, đồ gốm thời Nguyên (1271-1368) và thời Minh (1368 - 1644) có số lượng rất đáng kể, tương đối phong phú về loại hình, dòng gốm, có nhiều sản phẩm vô cùng đặc sắc và quý hiếm được sản xuất bởi các ngự xưởng nổi tiếng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí cho rằng, đây là những đồ sứ được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần và thời Lê. Phát hiện quan trọng này khơi gợi nhiều về mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế giữa triều đại nhà Nguyên và nhà Minh với Kinh đô Thăng Long – Đại Việt trong lịch sử.

Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long khá phong phú về chất lượng và phẩm cấp, với những dòng gốm đơn sắc (men ngọc, men nâu) và gốm hoa lam. Những sưu tập gốm này xuất phát từ nhiều lò khác nhau ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Các di vật đồ gốm thời Nguyên – Minh đa phần đã bị vỡ mảnh, không còn nguyên hình dáng. Do đó, việc đầu tư nghiên cứu so sánh để xác định loại hình, chức năng, niên đại, nguồn gốc lò sản xuất đối với các sưu tập mảnh đồ sứ Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Tọa đàm khoa học này là dịp để các chuyên gia trao đổi về đặc trưng, niên đại và nguồn gốc lò sản xuất của các sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Qua đó tăng cường hiểu biết sâu rộng về đồ gốm sứ, từ đó có thể bàn luận sâu rộng hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử thời Nguyên – Minh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, đây cũng là những công bố đầu tiên về đồ gốm Trung Quốc thời Nguyên, Minh phát hiện tại Việt Nam. Hy vọng kết quả tọa đàm này sẽ giúp cho giới khoa học trong nước, quốc tế nhận biết về các loại hình đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long, cùng những cảm nhận đa chiều về thị hiếu trong chốn cung đình thời bấy giờ. Nguồn tư liệu quan trọng này cũng gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu về mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Đại Việt trong lịch sử. 

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tạm phân loại và nhận diện khoảng 200 hiện vật, gốm sứ thời Nguyên được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau trong lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng. Tuy nhiên, do hiện vật gốm thời Nguyên qua tư liệu khảo cổ học vẫn còn ít, loại hình chưa phong phú và chưa được công bố một cách rộng rãi nên nhiều nhóm di vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xếp chung vào nhóm gốm Tống - Nguyên, Nguyên - Minh, thậm chí là cả thời Thanh...

Chia sẻ nghiên cứu về gốm men ngọc Long Tuyền tìm thấy ở Đông Nam Á, Tiến sỹ Xiang Kunpeng, Bảo tàng Cổ cung Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, gần đây, một số lượng lớn gốm men ngọc Long Tuyền đã được tìm thấy tại một số di chỉ trên đất liền và các vùng biển có liên quan đến tàu đắm ở Đông Nam Á, chúng có niên đại từ đầu thời Nam Tống kéo dài đến giữa thời nhà Minh. Việc này đã phản ánh một mức độ nhất định về tình hình xuất khẩu của loại đồ gốm này đến khu vực trong lịch sử. ..

Tại tọa đàm, các học giả trong nước và quốc tế tập trung thảo luận một số vấn đề chính như: Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long và Việt Nam; Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh và các lò sản xuất tại các tỉnh ở Trung Quốc; giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Trung Quốc với Đại Việt thời Nguyên - Minh nhìn từ trao đổi đồ gốm sứ./. 

Lý Thanh Hương

Xem thêm