Tuần lễ Khoa học Công nghệ Vinfuture: Khoa học giúp thay đổi cuộc sống con người, bảo vệ thiên nhiên
Đây là sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân trên thế giới.
(TTXVN) Ngày 19/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ Vinfuture lần thứ 2, các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam đã tham gia tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” với các chủ đề: Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới; Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng; Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư.
Diễn ra từ ngày 17 - 21/12 tại Hà Nội, đây là sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân trên thế giới.
* Nông nghiệp bền vững góp phần giảm khí nhà kính
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao tọa đàm và các sự kiện nằm trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ Vinfuture. Dù mới bước sang năm thứ 2 nhưng các hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ do Quỹ Vinfuture khởi xướng, dẫn dắt đã tạo được tiếng vang, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học, khi thu hút được sự tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế cùng thảo luận về những vấn đề cấp bách mà cả thế giới đang đối mặt.
Các phiên tọa đàm gắn với ba chủ đề càng có ý nghĩa khi nhân loại vừa trải qua một biến cố lớn chưa từng có, đại dịch COVID-19 làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn thế giới. Đây là những chủ đề khoa học rất thiết thực, có thể tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của con người, đặc biệt là trong quá trình hồi sinh và tái thiết thế giới sau những tổn thương do đại dịch gây ra.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng; đồng thời thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Thách thức này đòi hỏi các quốc gia phải có hướng đi mới, giải pháp mới đột phá và chỉ có khoa học công nghệ mới giải quyết được.
Tại Việt Nam, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Hiện nay, nhiều nông sản thương hiệu Việt đã hiện diện, chinh phục được các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, được người tiêu dùng quốc tế đón nhận. Ước tính, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Tại phiên 1 với chủ đề “Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới”, các diễn giả đã tập trung thảo luận về sự phát triển của khoa học - công nghệ nhằm đem lại những giống cây trồng mới, chỉnh sửa gen thực vật, canh tác thông minh... góp phần chống biến đổi khí hậu.
Giáo sư Pamela Ronald, Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis (Hoa Kỳ) cho biết, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều thách thức trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) đã tìm cách tạo ra các giống lúa chịu ngập tốt, có thể chịu ngập tới 2 tuần, trong khi giống khác chỉ chịu 3 ngày. Trong thí nghiệm giống lúa IR64 và IR64 bổ sung gen chịu ngập sub1, theo thời gian 4 tháng, điều kiện ngập nước lúa sub1 phát triển tốt hơn, cho sản lượng tốt hơn. Đây là thành quả tiêu biểu trong việc áp dụng công nghệ và giống cây trồng.
Nói về vai trò của đất trong đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp, Giáo sư Claudia Wagner-Riddle, Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Guelph (Canada) cho biết, khi trồng trọt, chăn nuôi, phá rừng làm nương rẫy hoặc vận tải chế biến lương thực, nông nghiệp đã đóng góp 30% vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đặc biệt, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực chăn nuôi chiếm tới 50% phát thải toàn ngành nông nghiệp. Do đó cần đảm bảo khí nhà kính phát thải từ phân bón được hấp thụ triệt để vào cây trồng, đổi mới sáng tạo để giảm phát thải vào không khí.
Giáo sư Josse De Baerdemaeker tại KU Leuven, Bỉ cũng cho rằng, cần quản lý dữ liệu quan trắc mặt đất, không trung… để tìm ra các vấn đề về sự sinh trưởng của cây trồng, đa dạng sinh học theo thời gian thực, từ đó biết được giống cây nào thực sự phù hợp khí hậu địa phương.
* Những tiến bộ trong lưu trữ năng lượng, điều trị ung thư
Tại Phiên 2 có chủ đề “Vật liệu mới cho tương lai lưu trữ năng lượng”, các nhà khoa học tập trung thảo luận về những thách thức và cơ hội của pin Lithium ion trong điện khí hóa phương tiện vận chuyển; lưu trữ năng lượng điện hóa cho tương lai năng lượng bền vững.
Giáo sư Khalil Amine - nhà khoa học vật liệu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne (Hoa Kỳ), chuyên gia công nghệ pin xe điện thế hệ mới hàng đầu thế giới cho biết, dự báo tăng trưởng xe điện toàn cầu đến năm 2030 sẽ có 20 triệu xe điện. Hiện chi phí là rào cản chính trong quá trình điện hóa và lưu trữ năng lượng, chế tạo pin cho xe điện. Để đảm bảo chi phí thấp hơn, thế giới đang tìm cách giảm kích cỡ pin và lưu trữ năng lượng lớn hơn. Giải pháp là tăng mức độ giá trị điện phân, điện cực, có thể tăng tới 300% trong thế hệ pin tiếp theo. Điều này có thể giải quyết bằng qua các giải pháp về điện cực NMC.
Giáo sư Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), thành viên Hội đồng Giải thưởng Vinfuture cho biết, thời gian gần đây trên thế giới có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực pin sử dụng Natri. Natri là chất sẵn có trong môi trường với chi phí thấp, số lượng lớn, từ đó tạo ra các bộ gom dòng tiết kiệm về thể tích, an toàn, hoặc có thể dùng nhiều kim loại chuyển tiếp như sắt, mangan.
Pin Lithium Sulfur cũng đang là đối tượng của hàng nghìn nghiên cứu trên thế giới hiệu nay. Pin Lithium Sulfur kết hợp giữa lỏng và rắn có thể là xu hướng mới tương lai và đã được một số hãng xe hơi đưa vào thử nghiệm.
Tại Phiên 3 “Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư”, các nhà khoa học tập trung thảo luận về ứng dụng lâm sàng của liệu pháp miễn dịch tế bào cải tiến cho bệnh ung thư; thiết kế hệ thống miễn dịch trong điều trị ung thư thông qua liệu pháp tế bào CAR-T; những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư và những hướng đi tiềm năng; những chiến lược và công nghệ ứng dụng để thúc đẩy sự phát triển của Liệu pháp cá thể hóa trong điều trị ung thư...
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, ung thư vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Ở nước ta, ung thư được coi là một trong các nhóm bệnh ưu tiên thuộc Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Những con số về ung thư trên thế giới và Việt Nam luôn ở mức cao, có chiều hướng gia tăng do toàn cầu hóa, đô thị hóa cùng các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường...
Theo thống kê năm 2020, tại Việt Nam, có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với mục tiêu giảm bớt gánh nặng từ bệnh này, Việt Nam đã chú trọng phát triển Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Chương trình nghiên cứu ung thư toàn quốc và nhiều đề án khác được các bệnh viện triển khai tổ chức thực hiện.
Giáo sư Je-Jung Lee, CEO của Vaxcell Bio (Hàn Quốc), cho biết, giải pháp tế bào tiêu diệt tự nhiên giúp người bệnh được truyền tế bào này nhằm kích hoạt, phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ phản hồi tích cực lên 66,7%, tỷ lệ thích nghi tới 100%. Kết quả điều trị sau 4 tuần, dấu hiệu tế bào ung thư ác tính gần như biến mất, kết quả này ổn định trong 3 năm.
Giáo sư Bruce Levine, Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) cho biết, ung thư xuất phát từ chính tế bào của cơ thể ta nên hệ miễn dịch khó phát hiện và phân biệt. Thực tế các tế bào miễn dịch đặc hiệu với ung thư rất hiếm. Liệu pháp tế bào CAR-T sẽ chọc thủng lỗ tế bào ung thư khiến chúng vỡ ra. Việc sản xuất tế bào CAR-T được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân, cô lập tế bào mong muốn, đưa virus bất hoạt, không gây hại cơ thể vào rồi nuôi cấy ngoài cơ thể trong 9-10 ngày, sau đó thu hoạch và đưa vào bảo quản. Liệu pháp tế bào CAR-T được nghiên cứu và thử nghiệm trên 8 bệnh nhân, thu được tỷ lệ phản hồi khác nhau: 100% đáp ứng và 57% đáp ứng hoàn toàn./.