Tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động, hạn chế tai nạn, bệnh nghề nghiệp
Các chuyên gia trao đổi về công tác an toàn vệ sinh lao động; định hướng nhiệm vụ, nghiên cứu mới; các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ an toàn, vệ sinh lao động và các kết quả nghiên cứu về an toàn, vệ sinh lao động.
TTXVN - Hội thảo “Thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cần nghiên cứu trong giai đoạn 2025 - 2030”, do Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/10.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các ngành chức năng trao đổi, thảo luận về công tác an toàn vệ sinh lao động hiện nay; định hướng nhiệm vụ, nghiên cứu mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đồng bộ với các pháp luật liên quan; các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ an toàn, vệ sinh lao động và các kết quả nghiên cứu về an toàn, vệ sinh lao động.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động cho biết, công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường đã và đang được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương coi trọng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quan tâm đến việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, từng bước đầu tư đáng kể để cải tiến công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ, thực tiễn sản xuất, quá trình lao động, nhất là trong bối cảnh tiếp nhận làn sóng các dự án đầu tư mới, các lĩnh vực sản xuất mới, công nghệ, vật liệu mới, rất phong phú, đa dạng; một số ngành, lĩnh vực chưa có những nghiên cứu, đánh giá về an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường lao động. Do đó, trong giai đoạn mới, hoạt động khoa học công nghệ, các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường lao động phải độc lập, tự chủ, tiến tới hội nhập đạt chuẩn quốc tế, khu vực.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh, những vấn đề cấp bách về an toàn vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần giải quyết hiện nay là ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu… Cùng với đó, tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động...
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Ninh Xuân Huy, Khoa môi trường và Bảo hộ lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, dẫn chứng các kỹ thuật và các vật liệu mới trong ngành Xây dựng đang được phát triển và áp dụng với tốc độ rất nhanh. Trong đó, các vật liệu mới với cấu trúc nano đã đem lại các khả năng vượt trội, đáp ứng các kỹ thuật xây dựng mới và tăng hiệu suất, cải thiện tính bền vững.
Tuy nhiên, các hạt bụi nano phát thải trong quá trình sử dụng những vật liệu này đang trở thành mối lo ngại mới về sức khỏe khi người lao động tiếp xúc với. Bởi bụi nano (PM0.1) là những hạt siêu mịn có đường kính nhỏ hơn 100 nm (trong các vật liệu như: bê tông, xi măng, lớp phủ…) mà các loại khẩu trang không có khả năng bảo vệ người lao động.
“Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc qua da, các hạt này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh về đường hô hấp và các vấn đề về da. Sự nguy hiểm của bụi nano là với kích cỡ nhỏ, các hạt bụi có thể len lỏi qua lớp màng phổi, xâm nhập vào máu và đi khắp cơ thể...”, Tiến sỹ Ninh Xuân Huy chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu với đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại luôn diễn ra sôi động. Do vậy, công tác an toàn vệ sinh lao động được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động Công đoàn nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong quá trình lao động.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố, trước xu thế phát triển mới, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, vận dụng máy móc thiết bị, công nghệ tự động hiện đại trong sản xuất, kinh doanh từ đó sẽ phát sinh những yếu tố nguy hiểm độc hại mới. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, ông Nguyễn Thành Đô đề xuất các cấp ngành cần quan tâm, cập nhật và kịp thời thay đổi các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; cập nhật các danh mục bệnh nghề nghiệp phù hợp với điều kiện mới. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” hàng năm; tăng cường các buổi tọa đàm, hội thảo, hội thi, tuyên truyền, tập huấn cho người lao động và đơn vị, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.
Ông Nguyễn Thành Đô kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; nghiên cứu xem xét xây dựng bộ tiêu chí có quy định rõ hàm lượng dinh dưỡng, định lượng, giá trị dinh dưỡng. Cần quy định một mức sàn tối thiểu chung, do việc phụ cấp cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên; quy định cụ thể biên chế cho cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có nghiệp vụ chuyên môn về công tác an toàn vệ sinh lao động để phát huy có hiệu quả vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; thực trạng an toàn vệ sinh lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp; thực trạng công tác kiểm định an toàn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hiện nay và đề xuất những giải pháp khắc phục.
Các đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và môi trường lao động giai đoạn 2013 - nghiệp đang được sử dụng tại Việt Nam và trên thế giới; một số định hướng, nhiệm vụ khoa học công nghệ đến năm 2030.../.
- Từ khóa:
- Hội thảo
- an toàn vệ sinh lao động
- 2025 - 2030