Việc ứng dụng chuyển đổi số được tuổi trẻ Khánh Hòa tuyên truyền đồng bộ trên nhiều nền tảng số và bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tốt ở các mặt định vị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị thực cho sản phẩm…
TTXVN - Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, những thanh niên năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số. Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều mô hình, ứng dụng khoa học công nghệ được thanh niên làm chủ, ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, phát huy sức trẻ trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
*Chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực
Việc ứng dụng chuyển đổi số được tuổi trẻ Khánh Hòa tuyên truyền đồng bộ trên nhiều nền tảng số và bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tốt ở các mặt định vị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị thực cho sản phẩm…
Sinh ra và lớn lên ở xứ xoài Cam Lâm, Đặng Thế Truyền (sinh năm 1991) luôn đau đáu giúp nông dân tận dụng tiềm năng, lợi thế cây xoài để phát triển kinh tế. Mãi đến năm 2020, anh Truyền đã “bỏ phố về quê” để thực hiện mong muốn của mình. Với lợi thế học ngành công nghệ thông tin, anh Truyền cùng những cộng sự xây dựng trang website CamLamOnline giới thiệu đặc trưng của quê hương, trong đó có các sản phẩm từ xoài như xoài sấy muối ớt, bánh xoài. Website đã giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin và chất lượng sản phẩm nhanh, hiệu quả.
Cùng với thị trường truyền thống, anh Truyền còn đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử như Postmart, Tiki, Lazada, Shopee, Tik Tok…để tiếp cận khách hàng tốt hơn. Trung bình mỗi tháng, anh Truyền đạt doanh thu từ 350 - 400 triệu đồng từ việc bán thành phẩm của xoài Cam Lâm. Cách làm của anh Truyền và cộng sự đã giải quyết tồn đọng xoài trong dân và khắc phục tình trang "được mùa - mất giá" khi vào vụ. Ý nghĩa hơn, nhận thấy sự thành công của nhóm bạn trẻ CamLamOnline trong tiêu thụ, người trồng xoài Cam Lâm đã chủ động làm theo và đăng bán trên nền tảng số, từ đó, tạo nguồn thu ổn định cho chính họ và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương.
Anh Đặng Thế Truyền chia sẻ, chuyển đổi số là một phương thức để gia tăng hiệu quả, tăng giá trị hàng hóa và hơn hết là thúc đẩy sự phát triển với những sản vật sẵn có của địa phương. Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số, tận dụng nền tảng thị trường số để đưa các mặt hàng nông sản, cảnh đẹp quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Anh Truyền là một trong hàng trăm thanh niên Khánh Hòa ứng dụng thành công chuyển đổi số để phát triển kinh tế cho bản thân, tạo giá trị cho xã hội. Thanh niên Khánh Hòa còn mạnh dạn ứng dựng nền tảng số trong công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng.
Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục truyền thống quê hương Khánh Hòa cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2021 -2025” nhằm bồi đắp các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa lịch sử cho thế hệ trẻ, củng cố niềm tin, xây dựng lớp thanh niên có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu Đảng, yêu Đoàn. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 có 100% cán bộ Đoàn sử dụng hiệu quả internet, mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thành thiếu nhi.
Hưởng ứng các hoạt động Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Cuộc thi tìm hiểu trực tuyến “370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa”. Chương trình giáo dục, tuyên truyền trực tuyến thu hút trên 68.000 lượt tương tác và tham gia qua trang fanpage của chương trình.
Đoàn Thanh niên Công an tỉnh hưởng ứng chuyển đổi số bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID cho hàng ngàn đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh. Đến nay 100% đoàn viên, thanh niên đủ điều kiện đều được cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Lực lượng này cũng xung kích, đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện việc ứng dụng Báo cháy 114 thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; tuyên truyền về tiện ích của ứng dụng VNeID, ứng dụng Báo cháy 114. Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh thành lập các Tổ công nghệ số tham gia tích cực cùng Công an đến từng nhà người dân để kích hoạt mã định danh điện tử.
Một công trình thanh niên cũng ứng dụng chuyển đổi số rất hiệu quả là “Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Khánh Hòa” của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. Đơn vị này đã triển khai lắp các bảng gắn mã QR cho các địa chỉ đỏ, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, người dân, du khách khi muốn tìm hiểu thông tin về các điểm trên, chỉ cần quét mã QR việc tiếp cận các thông tin về điểm di tích, danh lam sẽ được chính xác, khoa học, dễ hiểu.
*Để chuyển đổi số hiệu quả
Trong quá trình chuyển đổi số ở các địa phương, đơn vị vẫn còn một bộ phận người trẻ ngại thay đổi, chưa nắm bắt kịp thời xu thế mới trong lĩnh vực công nghệ, thậm chí một số còn chưa có nhận thức cao về những lợi ích của chuyển đổi số. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn chưa thực sự đồng đều ở giữa các địa phương, chưa có các dự án khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng internet…
Ông Lữ Thế Hùng, Tổng Giám Đốc Công ty V-India Hub (trụ sở tại Khánh Hòa) - công ty chuyên hỗ trợ các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo, tư vấn và cố vấn khỏi nghiệp cho người trẻ đánh giá chuyển đổi số trong thanh niên Khánh Hòa chưa đạt đến độ “chín”. Theo ông Lữ Thế Hùng, trong thời đại công nghệ số 4.0, các bạn trẻ nên chọn các mảng khởi nghiệp số thực tế, sáng tạo ra các ứng dụng, chương trình số hay kinh doanh số đáp ứng được nhu cầu thị trường và tạo ra doanh thu thực. Có như vậy thì việc chuyển đổi số gắn liền với thu nhập thực tế mới bền vững. Có sự bền vững, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp trẻ đó hoặc bạn trẻ đó sẽ thành công.
Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt khi chuyển đổi số đang là xu hướng chung, mạng xã hội đang là một trong số kênh tuyên truyền được đông đảo người trẻ sử dụng và sử dụng thường xuyên, các cấp bộ Đoàn Khánh Hòa cần tìm hiểu, xem xét, đặt đúng vị trí của các kênh mạng xã hội trong công tác Đoàn; tăng cường chuyển đổi số hoạt động của Đoàn. Bên cạnh mạng xã hội Facebook cần mở rộng ra các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, Zalo, Gapo, Instagram…nhưng vẫn phải xây dựng kênh tuyên truyền mang tính ổn định và chính thống của Đoàn.
Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cho biết, Tỉnh Đoàn tiếp tục bám sát các hướng dẫn, định hướng của Trung ương, của tỉnh để triển khai nhiệm vụ trong chuyển đổi số một cách phù hợp. Nội dung này sẽ được đưa vào nhiệm vụ công tác đoàn các cấp. Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi theo hướng hiện đại, linh hoạt, phù hợp đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế - xã hội địa phương; tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng phụ trách công tác chuyển đổi số tổ chức các tọa đàm, hội thảo về chuyển đổi số; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực số, kỹ năng thực hành cho đoàn viên, thanh niên; đẩy mạnh các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Hành trình chuyển đổi số dài và gắn bó mật thiết với các ngành nghề khác trong xã hội nên công tác chuyển đổi số trong thanh niên được Tỉnh Đoàn triển khai bảo đảm nội dung sâu sắc, có tính an ninh, an toàn cao./.
- Từ khóa:
- Khánh Hòa
- chuyển đổi số
- Cam Lâm