Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng: Bắc Kạn cần đánh giá đúng nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tỉnh Bắc Kạn đề nghị xem xét, mở rộng đối tượng tuyển sinh trung cấp lý luận chính trị, đảm bảo cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận chương trình đào tạo này, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
TTXVN - Ngày 5/7, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, công bố quyết định kiểm tra về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn Kiểm tra đề nghị Đoàn kiểm tra và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện đúng nội dung Quyết định, kế hoạch, đề cương báo cáo và chương trình kiểm tra. Đoàn kiểm tra xây dựng kế hoạch kiểm tra đáp ứng nhiệm vụ của công tác kiểm tra lần này.
Thông qua kiểm tra, Doàn kịp thời phát hiện, ghi nhận kết quả đạt được, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và nguyên nhân, qua đó hướng dẫn Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn các nội dung được kiểm tra. Đồng thời, Đoàn kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả nghị quyết, quy định được kiểm tra. Quá trình kiểm tra phải đảm bảo dân chủ, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Trong chuyến công tác tại Bắc Kạn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác của Trường Chính trị tỉnh và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác trường chính trị và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các văn bản của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh được triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2026, xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn mức độ 1 và đạt mức 2 vào năm 2031.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã xét cử 167 cán bộ, công chức đi học cao cấp lý luận chính trị (trong đó: Hệ tập trung 74 cán bộ; hệ không tập trung có 80 cán bộ); 13 cán bộ học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị. Trường Chính trị tỉnh đã mở 9 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 493 học viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cử 90 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng. Tỉnh mở 31 lớp bồi dưỡng với hơn 12.142 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã mở được 1.276 lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý với tổng số 70.350 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh được triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Chương trình đào tạo kết hợp giữa lý luận với thực tiễn. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình đào tạo được các ngành chức năng quan tâm, quản lý chặt chẽ.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn báo cáo Đoàn công tác về một số khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như: hạn chế về kinh phí, cơ sở vật chất; hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho tỉnh còn hạn chế. Công tác đào tạo bồi dưỡng còn thụ động, chưa có định hướng về lĩnh vực mũi nhọn hoặc ngành, địa phương đang cần.
Tỉnh kiến nghị Trung ương tạo điều kiện trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đặc biệt là đội ngũ giảng viên cho Trường Chính trị tỉnh để từng bước đạt chuẩn theo tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, mức 2. Tỉnh đề nghị xem xét, mở rộng đối tượng tuyển sinh trung cấp lý luận chính trị, đảm bảo cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận chương trình đào tạo này, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ; xem xét giảm tiêu chí đạt chuẩn về quy mô cơ sở vật chất đối với các Trường Chính trị tỉnh miền núi nói chung…
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là vô cùng quan trọng, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, đồng thời khẳng định, vấn đề là phải tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn này.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Bắc Kạn quan tâm rà soát các đối tượng thuộc diện quy hoạch, đối tượng cần bồi dưỡng, cập nhật, đánh giá đúng nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Các chương trình bồi dưỡng đã có kế hoạch của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh phải lựa chọn, bố trí cử cán bộ đi học, bồi dưỡng đầy đủ, kịp thời.
Giám đốc Học viện đề nghị Bắc Kạn tập trung thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ các cấp về một đầu mối là Trường Chính trị tỉnh, đồng thời tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giảng viên của Trường tỉnh. Tỉnh chủ động, sáng tạo trong bố trí, sắp xếp, cắt giảm biên chế; lựa chọn, tuyển dụng cán bộ mới rồi cử đi học lớp giảng viên để tạo nguồn. Tỉnh chủ động bố trí, sắp xếp, tăng cường giảng viên kiêm nhiệm; đầu tư có chiều sâu về cơ sở vật chất cho nhà trường; quan tâm nghiên cứu, bố trí vị trí đầu tư cơ sở vật chất gắn với tầm nhìn dài lâu.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ đạo Học viện hỗ trợ Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn trong nghiên cứu khoa học với tinh thần giảng viên phải nghiên cứu khoa học mới có thể giảng dạy tốt được. "Bắc Kạn là địa phương có những khó khăn hết sức đặc thù. Do vậy, Học viện phải quan tâm hỗ trợ để giúp tỉnh và Trường Chính trị tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra", Giám đốc Học viện nhấn mạnh./.