Vượt qua nhiều khó khăn, lực lượng y tế thôn, bản đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm,… cho người dân tại cơ sở.
(TTXVN) - Lực lượng này góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu tại vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
*Nhọc nhằn y tế thôn, bản
Xín Mần là huyện miền núi biên giới của tỉnh Hà Giang, điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù diện tích rộng, khoảng cách từ các thôn, bản đến trung tâm huyện tương đối xa, đường sá đi lại nhiều nơi chưa thuận tiện, hoạt động của lực lượng y tế thôn, bản tại các địa phương càng trở nên quan trọng.
Theo ông Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xín Mần, huyện hiện có 18 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có một thị trấn với 139 nhân viên y tế thôn, bản. Ngành Y tế huyện đánh giá, các nhân viên y tế thôn, bản hoạt động khá nhiệt tình, có trách nhiệm, tham gia tích cực trong tuyên truyền vận động nhân dân.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của lực lượng y tế thôn, bản hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn. Theo Thông tư số 07/2013/TT-TTCP, nhiệm vụ, chức năng hoạt động của nhân viên y tế thôn, bản khá nhiều. Tuy nhiên, mức phụ cấp dành cho lực lượng y tế thôn, bản còn khá thấp. Theo quy định, ở các xã tại vùng khó khăn, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng 0,5 và ở các vùng còn lại là 0,3 mức lương cơ bản.
Theo ông Vương Minh Hiệu, Trưởng Trạm Y tế xã Bản Ngò, huyện Xín Mần, từ đầu năm đến nay, nhiều nhân viên y tế thôn, bản đã nghỉ việc. Việc đào tạo và sử dụng lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn bởi mức thu nhập của họ khá thấp, không đáp ứng được nhu cầu công việc và công sức bỏ ra. Mặc dù đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, mở các lớp đào tạo nhân viên y tế thôn, bản, nhưng sau khi đào tạo, có những người chỉ làm 1-2 tháng lại nghỉ việc để đi làm ở các công ty.
Ông Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xín Mần đánh giá: Thực tế ở địa phương, lực lượng y tế thôn, bản có trình độ và nhận thức còn tương đối thấp, công tác đào tạo chủ yếu bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, việc tiếp cận kỹ năng truyền thông còn hạn chế.
* Vượt khó, trụ lại với nghề
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là mức hưởng phụ cấp thấp, nhưng không ít nhân viên y tế thôn bản vẫn bám trụ lại với nghề. Hiện nay, để thuận lợi trong công việc, nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế thôn, bản, nhiều địa phương ở Xín Mần đã linh hoạt sắp xếp kiêm nhiệm cùng một số chức danh khác cho đối tượng này.
Anh Phàn Ngọc Lý, xã Bản Ngò, huyện Xín Mần vừa kiêm nhiệm công việc Đoàn xã, vừa đảm đương nhiệm vụ y tế thôn, bản chia sẻ: Mặc dù công việc khá nhiều, anh luôn cố gắng để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng, tham gia các hoạt động chuyên môn về y tế cộng đồng; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; các chương trình y tế thôn, bản, anh tuyên truyền tới bà con việc sắp xếp, quy hoạch lại khu vực chăn nuôi, làm vườn thuốc nam trong vườn nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, anh vận động bà con khi nhà có người ốm nên đưa tới trạm y tế hoặc bệnh viện để thăm khám, điều trị, không nên tổ chức lễ cúng rườm rà để chữa bệnh.
Cùng ở xã Bản Ngò, ông Vương Văn Ba cho biết, trước đây, không chỉ gia đình ông mà nhiều nhà khác, khi có người ốm đau, bệnh tật thường hay mời thầy cúng về để cúng với mong muốn chữa khỏi bệnh. Từ khi được nhân viên y tế thôn, bản tới tận nhà thăm khám, vận động, đưa đến trạm y tế, bệnh viện để điều trị, gia đình ông đã không còn mời thầy về cúng nữa. Việc đưa đến cơ sở y tế khám chữa đã giúp mọi người khỏi bệnh nhanh hơn và đảm bảo an toàn sức khoẻ hơn.
Đối với anh Hoàng Văn Sỹ, việc nhân viên y tế thôn, bản tận tình tới từng nhà thăm hỏi, tuyên truyền đã khiến bà con tin tưởng, có hiểu biết hơn về việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường, không còn quá tin vào việc cúng để chữa bệnh. Từ thông tin của nhân viên y tế thôn, bản, anh Sỹ đã giáo dục con cháu trong dòng họ không kết hôn cận huyết, không tảo hôn.
Ông Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xín Mần đánh giá, thông qua hoạt động tuyên truyền của lực lượng y tế thôn, bản, nhận thức của bà con đã phần nào thay đổi. Tình trạng tảo hôn đã giảm dần, việc xóa bỏ đi những hủ tục, phong tục lạc hậu đã có những chuyển biến rõ rệt. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng y tế thôn, bản, ngành Y tế huyện tiếp tục triển khai các đợt tập huấn, đào tạo, linh hoạt theo cụm (2-3 xã). Mỗi đợt từ 3-5 ngày, tổ chức thành nhiều lớp để lực lượng y tế thôn, bản tham gia đầy đủ./.
- Từ khóa:
- y tế thôn bản
- Hà Giang
- đồng bào dân tộc
- trạm y tế