Xã hội

68 mùa phượng nở Hải Phòng: Dáng vóc mới, diện mạo mới

Hải Phòng

Sau 68 năm ngày giải phóng, Hải Phòng mang một vóc dáng mới, kinh tế - xã hội của thành phố không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Thành phố Hải Phòng còn có nhiều tên gọi gắn với đặc thù địa lý như thành phố Cảng, thành phố nơi đầu sóng, thành phố miền cửa biển... và đặc biệt là cái tên thân thương gắn với Ngày giải phóng 13/5/1955  - “Thành phố Tháng Năm”.

* 300 ngày chiến đấu...

Theo cuốn Lịch sử Hải Phòng tập 3, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021, từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1955, Hải Phòng bước vào giai đoạn 300 ngày. Đây là giai đoạn quân Pháp tập kết ở vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có nhiều khu vực tại địa bàn Hải Phòng để thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Với bản chất phản động, ngoan cố, được đế quốc Mỹ tiếp tay nên quân Pháp tiếp tục tìm cách phá hoại vùng giải phóng, củng cố hệ thống do thám, gián điệp như tiến hành hơn 133 cuộc vây ráp, hơn 200 lần nổ súng vào các khu dân cư cùng các hoạt động bắt, bắt giam, bắn chết và làm bị thương nhiều người... Đế quốc Mỹ cũng cử một phái đoàn đến Hải Phòng cùng với Pháp tổ chức hoạt động phá hoại miền Bắc.

Nhận rõ tính chất đấu tranh quyết liệt trong khu vực tập kết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (mở rộng) từ ngày 15 - 18/7/1954 về nhiệm vụ tiếp thu vùng mới giải phóng, đặc biệt là tiếp thu và quản lý đô thị, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo khu tập kết 300 ngày và phân công đồng chí Đỗ Mười làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo khu tập kết 300 ngày với sự tham gia của Tỉnh ủy Kiến An, Thành ủy Hải Phòng, đã phân tích tình hình, đề ra những nhiệm vụ cấp bách như chỉ đạo tăng cường cán bộ cho nội thành Hải Phòng vì việc đấu tranh với địch tiếp quản một thành phố công nghiệp lớn là điều rất mới mẻ, phức tạp. Công tác tổ chức lực lượng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch cũng được triển khai. Trong giai đoạn từ ngày 29/11/1954 đến ngày 12/5/1955, Hải Phòng đã sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh để làm sụp đổ, tan rã tinh thần binh lính địch, tiến đến tiếp quản hoàn toàn thành phố.

Vẫn theo cuốn Lịch sử Hải Phòng tập 3, sáng sớm 13/5/1955, các cánh quân của Đại đoàn 320 và Trung đoàn 42 đội ngũ chỉnh tề vượt qua các cửa ô tiến về giải phóng thành phố trong tiếng reo hò của nhân dân. Chiều 13/5/1955, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên đất Hải Phòng đứng gác ở bến Cảng giám sát chiếc tàu chở những tên lính Pháp cuối cùng rời bến. Cùng lúc, đoàn tàu hỏa với cờ đỏ sao vàng, treo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Ga Hải Phòng kéo theo một hồi còi dài tiến vào cảng. Ở tất cả các nhà máy, công sở cũng đồng loạt kéo còi chào mừng giờ phút lịch sử - thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, kết thúc 9 năm thực dân Pháp chiếm đóng thành phố. Ngày giải phóng Hải Phòng mở ra giai đoạn lịch sử mới với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng.

* Thành phố năng động, hiện đại của hôm nay

Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Sau 68 năm ngày giải phóng, Hải Phòng mang một vóc dáng mới. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, kinh tế - xã hội của thành phố không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu như Hải Phòng là địa phương luôn nằm trong top đầu về giáo dục-đào tạo, 24 năm liên tục có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế. Hải Phòng cũng là địa phương duy nhất triển khai đề án “Sân khấu truyền hình”, bắt đầu từ tháng 11/2019 đến nay, theo hình thức các buổi biểu diễn trực tiếp và truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Các chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình góp phần duy trì hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các văn nghệ sĩ, mang đến cho công chúng Hải Phòng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Với lợi thế của một thành phố Cảng, Hải Phòng giữ vững và phát huy vị thế cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc bằng đường biển, đặc biệt là sự hình thành của cảng nước sâu Lạch Huyện với 8 bến cảng đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, bến cảng số 1 và số 2 chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, đưa hàng hóa từ Việt Nam đến thẳng bờ Tây - Hoa Kỳ, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa trên 10 ngày, tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Hiện bến cảng số 3,4,5,6 khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025.

Trong tháng 5/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho bến cảng số 7 và số 8. Tại buổi cấp giấy chứng nhận đầu tư, Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (chủ đầu tư bến cảng số 7 và số 8) cho biết, sự kiện này đánh dấu thêm cột mốc quan trọng trên chặng đường thực hiện sứ mệnh kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, nâng tầm thương hiệu quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của những người lính Hải quân...

Trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức. Đến tham quan triển lãm hình ảnh, tư liệu “Hải Phòng - Tỏa sáng miền cửa biển” do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức, diễn ra từ ngày 7-13/5/2023, em Nguyễn Thị Minh Phương, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền chia sẻ: Những hình ảnh lịch sử, trong đó có ngôi trường em đang theo học giúp em hình dung về những ngày tháng các thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ thành phố; năng động, sáng tạo, dũng cảm trong giai đoạn mới xây dựng thành phố phát triển. Qua đó, em thêm yêu, thêm tự hào về thành phố Cảng - thành phố hiên ngang nơi đầu sóng, thành phố của tháng Năm lịch sử và tháng Năm của mùa hoa Phượng rực rỡ trên khắp các ngả đường./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm