Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân tưởng nhớ và tri ân đồng bào vô tội đã ngã xuống, bảo vệ mảnh đất quê hương, đồng thời cũng tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
TTXVN - Ngày 26/2, tại Khu di tích lịch sử Gò Dài, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn (Bình Định), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An cách đây 58 năm (26/2/1966 - 26/2/2024).
Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân tưởng nhớ và tri ân đồng bào vô tội đã ngã xuống, bảo vệ mảnh đất quê hương. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tiếp tục cổ vũ, động viên toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân huyện Tây Sơn thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Ngày 23/1/1966, lính Nam Triều Tiên bất ngờ tấn công vào Bình An. Quân địch bao vây từ bốn phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Không đạt được mục đích, chúng điên cuồng quay sang đốt phá thóc gạo, nhà cửa và giết hại dân lành. Hơn 100 thường dân, trong đó, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết trong trận càn này, mở đầu cho một chiến dịch tàn sát trả thù dã man.
Với khẩu hiệu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, ngày 7/2/1966, các đơn vị lính Nam Triều Tiên mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Từ sáng sớm, hầu hết các đơn vị pháo binh trong vùng của địch đều được lệnh nã đạn vào Bình An. Làng quê nhỏ bé, hiền hòa bỗng chốc chìm ngập trong khói đạn. Phát hiện ra các hầm trú ẩn của dân ven làng, chúng thả lựu đạn cay xuống bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát.
Từ đầu tháng 2 đến ngày 26/2/1966, có 15 địa điểm ghi lại tội ác man rợ của quân Nam Triều Tiên (gồm 13 điểm ở xã Tây Vinh, một điểm ở xã Tây Bình và một điểm ở xã Tây An) với 1.004 người dân vô tội hầu hết là người già, trẻ em bị sát hại… Trong đó, ngày 26/2/1966, tại Gò Dài (nay thuộc địa phận xã Tây Vinh), 380 người dân ở huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn đã bị sát hại tàn bạo…
Vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Sau những ngày hãi hùng, nhiều người còn sống sót phải bỏ làng ra đi. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn.
Trong những ngày tháng đó, với ý chí quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, biến căm thù thành sức mạnh, quân và dân huyện Tây Sơn nói chung, xã Bình An cũ nói riêng (nay là các xã Tây An, Tây Bình, Tây Vinh) đã vùng lên tấn công trên các chiến trường, lập nên nhiều chiến công hiển hách, điểm tô trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn./.