Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt các chỉ tiêu quan trọng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
TTXVN - Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 25 Khóa XI (mở rộng) đánh giá về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cần triển khai chuyển đổi số tại các doanh nghiệp và tổ chức làm điểm trước khi nhân rộng ra trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu rà soát, lựa chọn từ 70 đến 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện và sẵn sàng cho việc chuyển đổi số, cải tiến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ chuyển đổi, từ đây sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trong thời gian tới.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đối với phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, tỉnh phấn đấu 100% sở, ban, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.
Tỉnh ban hành kế hoạch về dữ liệu mở bao gồm danh mục dữ liệu mở, kế hoạch công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý và mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch.
Các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp lần đầu dữ liệu mở theo kế hoạch; cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Ngoài ra, trên 30% sở, ban, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ người dân.
Bình Dương triển khai kết nối với hệ thống thông tin của đối tượng quản lý để thu thập dữ liệu trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Tỉnh hình thành Kho dữ liệu dùng chung được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với phát triển hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh phấn đấu 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% dân số được phủ sóng bởi mạng di động. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 16%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8,5%.
Tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số, phấn đấu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng thử một số ứng dụng của các nền tảng chuyển đổi số.
Tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh Bình Dương đã cấp căn cước công dân đạt 99,83%; trong đó, người thường trú đạt 99,86%, người tạm trú đạt 99,78%. Về cấp tài khoản định danh điện tử, tính đến ngày 23/6, Bình Dương đã thu nhận 1.116.501/1.225.365 hồ sơ, đạt 91%; tổng số có 570.478/1.225.365 tài khoản đã kích hoạt, đạt 47%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, việc hoàn thành về cấp căn cước công dân là cơ sở quan trọng để tỉnh chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số. Địa bàn tỉnh có đến 63 ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước là cơ sở quan trọng để triển khai từng bước về chuyển đổi số, kinh tế số phục vụ phát triển lành mạnh của nền kinh tế trong thời gian tới./.