Chỉ đạo, Điều hành

Cần cơ chế, chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc phát triển

TP. Hồ Chí Minh

Các chuyên gia cho rằng, mục đích chính của việc ban hành cơ chế đặc thù là để tạo điều kiện cho Thành phố tăng tốc phát triển, bứt phá, hoàn thành sứ mệnh là đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Nhiều chung cư cao tầng dọc hai bên Xa lộ Hà Nội, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

TTXVN - Sáng 18/5, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại Thành phố.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung khẳng định sự cần thiết, mang tính cấp bách của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Các chuyên gia cho rằng, mục đích chính của việc ban hành cơ chế đặc thù là để tạo điều kiện cho Thành phố tăng tốc phát triển, bứt phá, hoàn thành sứ mệnh là đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị và mô hình thành phố trong thành phố. Các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách cần theo hướng được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, gắn với nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển.

Theo bà Phạm Phương Thảo, quản lý công chức theo biên chế sẽ không còn phù hợp trong xu hướng triển khai thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Do đó, cần giao cho Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền và chủ động tính toán về số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tiễn theo hướng tinh giảm biên chế. Những phường, xã có quy mô dân số đông, tính chất công việc phức tạp và nhiều áp lực cần có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu phục vụ dân.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, cần có thẩm quyền cho Thành phố chủ động tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thẩm quyền này bao gồm thẩm quyền chi trả lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo khối lượng công việc, hiệu quả công việc và cơ chế thị trường; không thể quy định mức lương cơ sở chung cho tất cả các khu vực trong cả nước.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền đề xuất, cần cho Thành phố thẩm quyền chủ động đề xuất các cơ quan Trung ương thí điểm các cơ chế, chính sách mới theo mô hình “sandbox” và những phương thức linh hoạt, phù hợp để quản lý, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phát triển mới, tiềm ẩn phát sinh nhiều vấn đề mới, phi truyền thống.

Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Để thực hiện hiệu quả trên thực tiễn, nhiều đại biểu cũng phân tích, việc xây dựng cũng như thực hiện nghị quyết mới đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương; sự chủ động của các sở, ban, ngành và quận, huyện, thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Trương Đức Thuận (Tạp chí Cộng sản), việc xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất quan trọng nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người; trong đó, người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Nghị quyết chỉ thành công khi phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố; tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Để Thành phố phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, Thành phố cần khẩn trương nghiên cứu, cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ và năng suất lao động. Địa phương cần xác định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn, trung và dài hạn dựa trên các chỉ tiêu quốc gia, quốc tế. Lãnh đạo địa phương, đơn vị cần đánh giá lại các chính sách và cơ chế hiện tại, tập trung vào các trọng điểm và tính toán hiệu quả đầu tư; mạnh dạn, quyết tâm loại bỏ những chính sách, cơ chế không hiệu quả hoặc khó triển khai, giúp Thành phố lấy lại đà tăng trưởng.

Các ý kiến tại Hội thảo nêu rõ những thành tựu Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được; trong đó có vai trò của Nghị quyết số 54/2017/QH14, đồng thời dự báo những thách thức đang và sẽ đặt ra đối với sự phát triển của Thành phố thời gian tới./.

Tiến Lực

Tin liên quan

Xem thêm