Cao Bằng xác định kết quả giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp là do nguồn vốn năm 2022 giao chậm; phạm vi, nội dung thực hiện các chương trình lớn, cần có hướng dẫn, phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp.
TTXVN - Ngày 26/5, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là gần 5.000 tỷ đồng, trong đó, năm 2021 là hơn 16 tỷ đồng, năm 2022 là 1.646 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh được bố trí hơn 2.448 tỷ đồng và trên 850 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài. Tính đến ngày 20/5, toàn tỉnh giải ngân được hơn 189/850 tỷ đồng vốn năm 2022; giải ngân gần 253/2.448 tỷ đồng vốn năm 2023.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp là do nguồn vốn năm 2022 giao chậm; phạm vi, nội dung thực hiện các chương trình lớn, khi thực hiện cần có hướng dẫn, phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp. Một số cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Năng lực cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho rằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao, thiếu cát, đá xây dựng trong khi một số mỏ đá chưa được cấp phép khai thác, chưa được đưa vào quy hoạch chung của tỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại diện lãnh đạo huyện Hạ Lang kiến nghị tỉnh cần điều chỉnh mức vốn đầu tư thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; mạnh dạn phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp cơ sở; giải quyết khó khăn thuộc nhóm dự án liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị các huyện, thành phố tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo trách nhiệm và thẩm quyền của mình với phương châm “Không tiêu cực - không lãng phí - công khai - minh bạch”; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt dự án, dự toán các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo đúng quy định hiện hành; đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chương trình, dự án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư
Đối với các nội dung còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ đối tượng, rõ nguồn kinh phí”./.