Chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai tạo động lực phát triển nông nghiệp Thái Bình
Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; khắc phục những tồn tại, hạn chế, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất.
TTXVN - Tại Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 24/7/2023 đến hết ngày 31/12/2028.
Theo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; thôn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha để thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai.
Hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để thực hiện tích tụ đất đai, được hỗ trợ 1 lần 2.800 đồng/m2.
Hộ gia đình, cá nhân cho thuê quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 15kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 5 năm đến dưới 10 năm; được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 25kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 10 năm trở lên.
Hộ gia đình, cá nhân có đất tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ bằng tiền tương đương với 10kg thóc/360m2/năm. Giá thóc tính theo giá thóc tẻ thường do Sở Tài chính thông báo tại thời điểm quyết định hỗ trợ.
Hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng đủ điều kiện, được hỗ trợ 100% phí và lệ phí theo quy định khi thực hiện cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng đủ điều kiện, được hỗ trợ 1.000 đồng/m2, nhưng không quá 1 tỷ đồng/vùng để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung. Các trường hợp này còn được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, số hóa đồng ruộng, chứng nhận chất lượng sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tương đương mà pháp luật Việt Nam ký công nhận, nhưng không quá 50 triệu đồng/1 sản phẩm/vùng sản xuất tập trung.
Vùng sản xuất tập trung phải có diện tích tối thiểu 50ha (trong đó có diện tích liền mảnh tối thiểu 20ha), nếu chưa có đường giao thông kết nối vùng sản xuất với hệ thống đường giao thông hiện có, được ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ bổ sung cho ngân sách cấp xã để đầu tư xây dựng đường giao thông theo quy mô, tiêu chuẩn và quy hoạch đường giao thông trục chính nội đồng, nhưng không quá 5 tỷ đồng/vùng.
Vùng sản xuất tập trung đã có đường giao thông kết nối nhưng không đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn tối thiểu đối với đường giao thông trục chính nội đồng, được ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ bổ sung cho ngân sách cấp xã để đầu tư cải tạo, nâng cấp theo quy mô, tiêu chuẩn đường giao thông trục chính nội đồng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/vùng.Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp mà cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới theo dự án đầu tư được duyệt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Hợp tác xã thành lập mới thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, có quy mô diện tích đất sản xuất tối thiểu 150ha (trong đó có ít nhất 1 vùng sản xuất tập trung có diện tích đất tích tụ, tập trung liền mảnh tối thiểu 20ha) được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/1 hợp tác xã.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng lúa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai với diện tích sản xuất tối thiểu 50ha (trong đó có ít nhất 1 vùng tích tụ, tập trung đất đai liền mảnh tối thiểu 20ha) được Ủy ban nhân dân cấp huyện ưu tiên đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện với diện tích tối đa bằng 1% tổng diện tích vùng trồng lúa đã tích tụ, tập trung để thực hiện các trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định về đất đai và đầu tư xây dựng các loại công trình phục vụ mục đích trồng lúa...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, tích tụ, tập trung ruộng đất là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là bước đi cần thiết, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tại Thái Bình, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tích tụ ruộng đất để sản xuất vụ Xuân năm 2017 tại Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 17/3/2017.
Đến năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tại Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh, một số mô hình tích tụ, tập trung đất đai đã xuất hiện như thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết sản xuất gắn với cung ứng và bao tiêu sản phẩm của một số doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân với diện tích từ 2ha đến trên 100ha. Các mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường trung bình khoảng từ 1,2 đến 1,5 lần.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (diện tích canh tác bình quân khoảng 0,2ha/hộ gia đình), chủ yếu còn mang tính tự phát, tự cung, tự cấp; chưa tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kém; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa nhiều, thiếu bền vững.
Việc ban hành chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028 là rất cần thiết. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; khắc phục những tồn tại, hạn chế, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất./.