Trong những năm gần đây, nhờ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Sông Hinh, trong đó có mô hình trồng cây sầu riêng, đã giúp nhiều nông dân cải thiện đời sống.
TTXVN - Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình an sinh xã hội khác, nhiều người dân tại huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống.
Gia đình chị Nay Hờ Trol là một trong 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Hai Riêng (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) được hỗ trợ vốn để xây dựng mới nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngôi nhà chị Nay Hờ Trol vừa đưa vào sử dụng thay cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp trước đó. Tổng kinh phí xây nhà trên 200 triệu đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 40 triệu đồng.
Chị Nay Hờ Trol cho biết: có căn nhà mới gia đình chị rất phấn khởi. Từ nay có chỗ che nắng che mưa, con cái yên tâm học hành, vợ chồng chị cũng tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên triển khai thực hiện trong năm 2023, tại huyện Sông Hinh đã có 223 hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng nhà với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Đến nay, các hộ dân cơ bản đã xây dựng nhà ở ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Sông Hinh cho biết, ngoài 223 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách”, từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cũng đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng 10 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của huyện, kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà. Qua đây giúp cho các hộ nghèo tại địa phương ổn định chỗ ở, an tâm lao động sản xuất, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Trong những năm gần đây, nhờ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Sông Hinh phát triển, giúp cho nhiều nông dân trên địa bàn từng bước cải thiện đời sống, trong đó phải kể đến mô hình trồng cây sầu riêng. Hiện nay, toàn huyện có hơn 286 ha sầu riêng. Định hướng đến năm 2030, địa phương dự kiến sẽ có 1.000 ha cây sầu riêng, trong đó trên 50% là diện tích trồng tập trung. Để người dân phát triển loại cây này, lãnh đạo địa phương và các ban ngành liên quan cũng tích cực hỗ trợ người dân các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, liên kết tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Võ Minh Tuấn, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) chia sẻ, gia đình có diện tích khoảng 3,5 ha sầu riêng và cam xoàn. Trong đó, sầu riêng được thương lái thu mua toàn bộ còn cam xoàn là sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mỗi năm ước tính gia đình có lợi nhuận từ vườn cây ăn quả này gần 1,5 tỷ đồng. Để có tiền đầu tư hình thành được vườn cây ăn quả này, ông đã được Ngân hàng Agribank hỗ trợ vay trên 500 triệu đồng với nhiều ưu đãi.
Ông Bá Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh cho biết, các cơ quan ban ngành của huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá thành, ổn định đầu ra cho sản phẩm cây sầu riêng. Hội nông dân huyện cũng tăng cường tìm kiếm, kết nối người nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ mặt hàng này. Đồng thời khuyến khích người nông dân sản xuất mặt hàng này theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng để thị trường tin tưởng tiêu dùng. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội nông dân huyện cũng đã cho hàng chục lượt hộ vay mở rộng trồng cây sầu riêng, nâng cao thu nhập.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, trong thời gian qua, huyện Sông Hinh nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư khác của tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông phục vụ sản xuất. Địa phương cũng đã chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Từ những vùng trồng lúa kém hiệu quả đã chuyển sang trồng các loại cây như: sầu riêng, mắc ca, mía… cho hiệu quả kinh tế cao, giúp cho người dân từng bước cài thiện cuộc sống. Trong đó, mía là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích toàn huyện khoảng 6.200 ha. Địa phương tích cực phối hợp với các nhà máy để hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật nên cây mía hiện nay phát triển rất tốt.
Trên địa bàn huyện Sông Hinh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 47,9% dân số là người dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao… Hiện nay, huyện Sông Hinh còn 1.521 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số chiếm 78,5%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%; đồng thời, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm./.