Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ và trẻ em nghèo.
TTXVN - Xác định công tác chăm lo cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới có ý nghĩa quan trọng, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ ở Kiên Giang triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Đặc biệt là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".
* Nhiều mô hình thiết thực nâng cao đời sống
Huyện Giang Thành (Kiên Giang) có 5 xã biên giới, với đường biên giáp với Campuchia hơn 35 km. Trong đó, Phú Lợi và Vĩnh Điều và Tân Khánh Hòa là 3 xã khó khăn, còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giang Thành, hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực để hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ và trẻ em nghèo. Nổi bật là tạo sinh kế cho hội viên phụ nữ qua các mô hình như: Trao vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi gà, vịt cho hơn 150 hội viên; vận động nguồn lực tặng từ 20 đến 30 "Nhà mái ấm tình thương" mỗi năm; xây cầu giao thông nông thôn…
Gia đình bà Thị Sinh (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành) trước đây thuộc hộ nghèo do ít đất ruộng và có chồng bị tai biến, 2 con nhỏ trong tuổi đến trường. Năm 2021, gia đình bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động hỗ trợ 30 triệu đồng cất nhà "Mái ấm tình thương", đồng thời hỗ trợ 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản.
"Có căn nhà ấm cúng để ở và nuôi bò bán sữa có nguồn thu nhập thường xuyên, cộng với 0,2 ha đất trồng lúa, gia đình tôi ổn định hơn và yên tâm lo cho 2 con đến trường. Gia đình cũng được Bộ đội Biên phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền ý thức phòng, chống tệ nạn xã hội, không nghe theo những phần tử xấu, lo làm ăn để vươn lên trong cuộc sống", bà Sinh cho biết.
Là một trong 28 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, bà Quách Thị Lành (77 tuổi) cho biết, bà là người Campuchia theo chồng về sống ở xã Tân Khánh Hòa hơn 50 năm. Do không có đất sản xuất nên vợ chồng bà trước đây làm mướn sống qua ngày, còn gần đây lớn tuổi, lại có nhiều chứng bệnh cuộc sống chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của các con và trợ cấp gạo, tiền Hội Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng huyện.
"Nhà tôi ở cũng được nhà nước trao tặng "Nhà Đại đoàn kết", hằng tháng còn được Hội Phụ nữ với Bộ đội Biên phòng tặng gạo, tặng quà. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan và cũng thường nhắc nhở con cháu, mọi người xung quanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật", bà Lành chia sẻ.
Bà La Thúy Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành cho biết, xã có 28 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội phối hợp với Đồn Biên phòng Giang Thành, Mặt trận Tổ quốc xã vận động nhà mái ấm tình thương, trao sinh kế gắn với định hướng mô hình sản xuất, kinh doanh; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí gắn với tặng gạo, nhu yếu phẩm…
"Hiện tại, Hội phối hợp với Bộ đội Biên phòng Giang Thành hỗ trợ gạo thường xuyên cho gần 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn, từ 20kg đến 50 kg. Qua các lần đến trao quà, chúng tôi vận động, tuyên truyền các gia đình chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh biên giới. Hội viên phụ nữ xã cũng phát hiện và tố giác một số vụ liên quan đến dụ dỗ đưa người sang nước ngoài, buôn lậu qua đường biên…", bà La Thúy Ngọc cho biết thêm.
* Chung tay bảo vệ an ninh biên giới
Thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) có đường biên giới dài 13,7km và có 2 phường: Mỹ Đức và Đông Hồ giáp ranh với huyện Campongtrach, tỉnh Kampốt, Campuchia.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Tiên, 2 phường Mỹ Đức và Đông Hồ giáp biên giới Campuchia có gần 100 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đơn vị phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên thực hiện các mô hình, chương tình như: "Nâng bước em tới trường", "Thắp sáng đường biên", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", vận động các tổ chức, cá nhân để xây tặng nhà "Mái ấm tình thương", trao sinh kế cho 100% hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo…
"Một mặt chúng tôi chăm lo để hội viên có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, đồng thời thông qua các hoạt động, Hội Phụ nữ cùng cán bộ Biên phòng tăng cường giáo dục cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm; nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ và trách nhiệm công dân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột giới để mọi người tích cực tham gia", bà Chung Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Tiên cho biết.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, các cấp Hội Phụ nữ luôn đồng hành cùng đơn vị thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng. Qua đó, đã thành lập nhiều Tổ tự quản an ninh trật tự thuộc khu vực biên giới, Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên và nhiều hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.
"Hội Phụ nữ thành phố Hà Tiên và các phường, các Tổ phụ nữ bảo vệ vùng biên đã cung cấp nhiều thông tin, cũng như trực tiếp tham gia ngăn chặn hàng chục vụ liên quan đến lừa gạt đưa người sang nước ngoài, buôn lậu…Qua đó góp phần cùng lực lượng Biên phòng làm tốt công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", Thượng tá Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Bà Trần Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Kiên Giang cho biết, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cấp Hội Phụ nữ có đường biên giới luôn đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng các địa phương triển khai thực hiện công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ vận động các tổ chức, cá nhân xây tặng từ 30 đến 40 "Nhà mái ấm tình thương", từ 5 đến 7 cây cầu giao thông, trên 200 suất học bổng cho con em hội viên phụ nữ vùng biên giới, tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.
"Chúng tôi xác định công tác chăm lo cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên là hoạt động thiết thực, vừa giúp gia đình có điều kiện sản xuất, vừa tạo niềm tin, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó để các chị em cùng tham gia các hoạt động như: Thường xuyên tổ chức vệ sinh khu vực cột mốc, cảnh giác với các loại tội phạm vùng biên, nắm bắt tình hình trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ an ninh biên giới quốc gia", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Kiên Giang Trần Thu Hồng khẳng định./.