Nếu người dân nghi ngờ trường hợp chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo về cơ quan Công an để được hướng dẫn cách giải quyết.
Tại họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 5/10, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an đã thông tin về giải pháp đối phó với tội phạm công nghệ cao.
* Ngăn chặn hành vi gian lận dịch vụ thanh toán
Theo ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tình hình tội phạm công nghệ cao đang ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn. Cụ thể: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng; sửa đổi, bổ sung Quyết định 630 của Ngân hàng Nhà nước về Kế hoạch áp dụng giải pháp bảo đảm an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ; cho phép tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền vượt ngưỡng nhất định. Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến để có quy định phù hợp
Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, văn bản khuyến nghị cảnh báo trên toàn ngành về ngăn chặn hành vi gian lận dịch vụ thanh toán, trong đó có yêu cầu thực hiện kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ, khớp đúng giấy tờ tùy thân của khách hàng mở tài khoản thanh toán; kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm việc sử dụng tài khoản thanh toán bởi chính chủ tài khoản thanh toán hoặc người ủy nhiệm hợp pháp.
Bên cạnh đó, định kỳ áp dụng biện pháp kiểm tra, xác minh để đảm bảo chủ tài khoản thanh toán là chủ của số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng các dịch vụ SMS banking và Mobile banking; nghiên cứu giải pháp ngăn chặn trường hợp thuê bao cho thuê, cho mượn tài khoản để thanh toán các mặt hàng bất hợp pháp. Đơn vị cũng có văn bản chỉ đạo để định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng, trong đó có nội dung làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu căn cước công dân; triển khai biện pháp rà soát đối chiếu thông tin căn cước công dân với chứng minh nhân dân của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung phối hợp nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ; trong đó có kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng, góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Kết quả triển khai cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, có 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với C06 của Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; 42 tổ chức tín dụng đã, đang triển khai ứng dụng căn cước công dân gắn chip; 7 tổ chức tín dụng liên hệ với C06 để rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ - ông Lê Văn Tuyên thông tin.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để các tổ chức tín dụng có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh; tăng cường truyền thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị, phối hợp với cơ quan báo chí để giúp người dân sử dụng dịch vụ thanh toán, tài khoản một cách an toàn, hiệu quả.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao theo số điện thoại di động. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường giải pháp xử lý SIM rác hiệu quả đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, góp phần phòng chống tội phạm mạng.
* Đề phòng các hình thức lừa đảo tinh vi
Thông tin về giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết: Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo; mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật, việc sử dụng các phần mềm lôi kéo người dân đánh bạc; hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh... diễn biến phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể, ngành đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 21/CT-TTg tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen"; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin về phương thức lừa đảo cho người dân; phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp với ngân hàng, ngăn chặn các hành vi thanh toán vi phạm pháp luật, tín dụng đen...
Ngành Công an cũng chủ động nắm tình hình, triển khai các biện pháp đấu tranh có hiệu quả tổ chức tốt công tác tin báo tố giác tội phạm; xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để lừa đảo. Tuy nhiên, tình hình tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp do các đối tượng lợi dụng thế mạnh của công nghệ thông tin; quá trình điều tra xử lý tốn nhiều thời gian, công sức.
Thượng tá Phạm Công Hải khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ diện thoại cố định, tự xưng là cán bộ công an nhà nước yêu cầu điều tra các vụ án; thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư, tài khoản; không cung cấp địa chỉ, thông tin, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất cứ đối tượng nào khi chưa xác minh được nhân thân, lai lịch của người đó.
Người dân cũng không nên mở các đường link, các tệp đính kèm trong thư, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định. Nếu nhận được tin nhắn vay mượn tiền hoặc chuyển vào tài khoản của người thân, tin nhắn qua các ứng dụng dụng OTP cần xác minh lại thông tin; kiểm tra lại thông tin website thực hiện các giao dịch trực tuyến - website chính thức của các tổ chức doanh nghiệp có đăng ký với các cơ quan sẽ được đánh dấu bằng hình thức ổ khóa bên cạnh các tên miền.
Ngoài ra, người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân hoặc chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Nếu nghi ngờ trường hợp chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo về cơ quan Công an để được hướng dẫn cách giải quyết./.