Nhiều câu hỏi liên quan đến việc quản lý trên internet và các nền tảng xã hội; việc quản lý các tài khoản blacklist; Quản lý chặt chẽ các web drama và clip về "giang hồ mạng" đã được thông tin.
Chiều 5/10, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã trả lời các nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý trên internet và các nền tảng xã hội; việc quản lý các tài khoản blacklist...
* Phối hợp chặt chẽ, quản lý thông tin trên internet
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả từ ngày 15/8 đến 14/9/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 364 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; gỡ 1 group, 1 tài khoản giả mạo (tỷ lệ đáp ứng 90%).
Google đã gỡ 380 video vi phạm trên Youtube; xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 23.733 video) (tỷ lệ đáp ứng 93%).
TikTok đã chặn, gỡ bỏ 33 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực. Trong đó xóa 4 tài khoản livestream bình luận xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chia sẻ hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò; 10 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; 13 tài khoản bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ (tỷ lệ đáp ứng 91%).
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã giám sát, phát hiện, chặn 6 website quảng cáo, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng trái phép; phát hiện, đề nghị 3 Sở Thông tin và Truyền thông xử lý 3 trò chơi điện tử cung cấp không phép trên mạng.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết với các Bộ Công an, Tài chính về nhiều mặt, trong đó có nội dung trên mạng xã hội và quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Việc kiểm tra toàn diện Tik Tok vừa qua là lần đầu tiên có sự phối hợp của 6 Bộ: Thông tin và Truyền thông; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương và 1 tổ chức là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thông qua cuộc kiểm tra, các đơn vị đều thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý thông tin trên mạng, nhất là các nền tảng xuyên biên giới.
* Góp phần làm trong sạch không gian mạng
Liên quan đến việc Facebooker Vo Quoc bị phạt do xúc phạm đến báo chí. Có thông tin cho biết Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất đưa Facebooker này vào danh sách "đen" (blacklist), Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết chưa nhận được thông tin này. Cục sẽ có trao đổi lại với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh để có thông tin cụ thể hơn.
Có một vấn đề cần làm rõ: Ông Võ Quốc đang đề nghị cơ quan quản lý, cơ quan báo chí xem xét lại về việc không phải là người trực tiếp viết các nội dung xúc phạm trên và đang tìm cách chứng minh, cũng như kêu gọi sự nhìn nhận phù hợp hơn. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang kiểm tra, xác minh lại thông tin ông Võ Quốc đưa ra - ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc xây dựng danh sách trắng (whitelist) và danh sách đen (blacklist) là sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông được triển khai trong năm 2023, có sự phối hợp với các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn trong nước. Theo đó, hai nội dung chính của sáng kiến này là: Các nhãn hàng ưu tiên quảng cáo trong các trang kênh được Bộ Thông tin và Truyền thông xác thực, cấp phép; không quảng cáo các trang, kênh của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Việc này được thực hiện trên cơ sở đồng thuận, không theo quy định của pháp luật. Sáng kiến đã nhận được sự nhất trí cao của các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn, cũng như các cơ quan báo chí nhằm góp phần làm sạch không gian mạng. Nếu hợp tác với các kênh vi phạm pháp luật, các nhãn hàng cũng bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời bị ảnh hưởng đến thương hiệu. Qua quá trình xác minh, nếu phát hiện ông Võ Quốc phản ánh không đúng sự thật, Bộ sẽ căn cứ vào kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo tới các nhãn hàng hạn chế quảng cáo đối với trang thông tin này trong thời gian nhất định.
* Yêu cầu Google xóa các địa chỉ vi phạm pháp luật
Trả lời câu hỏi liên quan đến thời gian gần đây hàng loạt địa điểm dịch vụ nhạy cảm, vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, bán bóng cười được gắn địa chỉ tràn lan trên Google Map, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì để xử lý vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Google Map là nền tảng của Công ty Google để cung cấp bản đồ có đặc điểm có khả năng cho phép người dùng chỉnh sửa danh mục địa chỉ trên đó. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận phản ánh của cơ quan báo chí, địa phương về địa danh trên Google Map không đúng. Ví dụ như địa danh ở Hoàng Sa, Trường Sa, các địa danh ở sát biên giới...
Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cách giải quyết là khi địa phương, cơ quan báo chí, người dân phát hiện, phản ánh, Bộ sẽ yêu cầu Google kiểm tra, cập nhật cho đúng. Nếu liên quan đến các địa phương, ví dụ địa điểm kinh doanh bóng cười có địa chỉ cụ thể, thì khi phát hiện, địa phương đó phải xử lý. Trong trường hợp vi phạm không xử lý được vì ẩn danh, mạo danh, sau khi tiếp nhận các phản hồi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu Google xóa các địa danh vi phạm pháp luật - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói.
* Quản lý chặt chẽ các web drama và clip về "giang hồ mạng"
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc quản lý các web drama đang tràn lan trên mạng hiện nay, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Hiện chưa có khái niêm chính thức về nội dung này. Việc quản lý nội dung này đang có sự giao thoa giữa hai Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hai bên cũng đang phối hợp để phân loại. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đang xây dựng nhận diện, xem xét các thể loại này, nếu đáp ứng một số tiêu chí sẽ coi đó là phim ngắn, phim chiếu mạng, nếu có vi phạm, sẽ căn cứ vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các thông tư, nghị định liên quan để xử lý. Nếu xác định đó là các clip sai phạm, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ căn cứ vào Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, cũng như Nghị định thay thế để xử lý.
Về khái niệm "giang hồ mạng", ông Lê Quang Tự Do cho biết: Khái niệm này chưa có trong quy định pháp luật, đây là cách gọi dân dã của báo chí, cũng như mạng xã hội. Đối với các hành vi tạo nên "giang hồ mạng" như: Có ngôn từ không đúng mực; bạo lực; ăn mặc không phù hợp... đều đã có các quy định, chế tài xử lý đầy đủ. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an có phương án xử lý đối với nhiều trường hợp này. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu các nền tảng xã hội tham gia đấu tranh, có bộ lọc để hạn chế, ngăn chặn các hành vi này ngay từ đầu. Các nền tảng xã hội đang phối hợp để ngăn chặn.../.
- Từ khóa:
- quản lý
- thông tin trên internet
- blacklist