Làng chài Cửa Vạn đã nhiều lần lọt top những ngôi làng đẹp và ấn tượng nhất thế giới và làng chài Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục đang “chìm” dần xuống biển.
TTXVN - Hai làng chài Cửa Vạn và Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long là những ngôi làng chài cổ từng thu hút đông đảo du khách, nhất là du khách nước ngoài. Trong đó, làng chài Cửa Vạn đã nhiều lần lọt top những ngôi làng đẹp và ấn tượng nhất thế giới, được bình chọn bởi nhiều chuyên trang về du lịch nổi tiếng. Đáng tiếc, hai ngôi làng này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục đang “chìm” dần xuống biển.
*Để không đánh mất giá trị văn hóa
Trước đây, khu vực Vung Viêng và Cửa Vạn có cộng đồng dân cư sinh sống. Đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân, UBND thành phố Hạ Long đã thực hiện di dời các hộ dân lên phường Hà Phong. Đồng thời để đảm bảo các yếu tố văn hóa đặc sắc của Vịnh Hạ Long, trên vịnh vẫn lưu giữ lại một nhóm cộng đồng dân cư trú ở khu vực hai làng chài Vung Viêng và Cửa Vạn. Người dân cư trú tại đây sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản (cá, hàu). Ngoài người dân, các công trình được lưu giữ lại như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa nổi ở Cửa Vạn, các ngôi nhà thiết kế theo nhà nổi của ngư dân.
3 năm trở lại đây, các làng chài chịu tác động khắc nghiệt của thời tiết. Thêm vào đó, nguồn kinh phí phục vụ duy tu, bảo dưỡng chưa đáp ứng được, dẫn đến những ngôi nhà này đã hư hỏng xuống cấp. Trước thực tế này, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã báo cáo UBND tỉnh và xây dựng đề án cải tạo, sửa chữa lại các công trình phục vụ việc lưu trữ các giá trị văn hóa làng chài trên vịnh.
Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vũ Kiên Cường trăn trở, cùng với việc giữ gìn, bảo tồn cho các giá trị văn hóa ở làng chài, việc lo sinh kế cho cộng đồng dân cư đang sinh sống trên vịnh hết sức quan trọng. Ban đang rà soát các cơ sở pháp lý trong việc giao mặt nước, cho phép được nuôi trồng thủy sản bền vững, các quy trình, thủ tục trình tự, đảm bảo các cơ sở pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định bảo vệ di sản. Đồng thời, Ban đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Vịnh Hạ Long. Quy hoạch này là định hướng quan trọng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch và đặc biệt là cơ sở pháp lý để kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân có hoạt động đầu tư phát triển du lịch phù hợp với quy định của pháp luật. Từ đó, thu hút đông đảo du khách đến với Vịnh Hạ Long và có thêm các sản phẩm độc đáo phục vụ du khách.
Trong kế hoạch sửa chữa, phục dựng các công trình kiến trúc liên quan đến giá trị văn hóa làng chài, Ban Quản lý Vịnh phân loại những công trình. Theo đó, công trình không còn sử dụng được sẽ loại bỏ, để phục dựng mới, trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc kiến trúc cũng như hình thái của các công trình kiến trúc cũ, song độ an toàn phải cao hơn, chống chịu được thời tiết, đặc biệt là chống chịu được sự bào mòn của nước biến, gió biển.
“Kế hoạch đang triển khai, song bị vướng mắc về việc xác định nguồn kinh phí để thực hiện. Ban Quản lý đề xuất với UBND tỉnh trích từ nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long để lại cho thành phố Hạ Long hàng năm đưa vào nguồn kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các trung tâm làng chài trên vịnh. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài chính và UBND thành phố, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thống nhất và báo cáo UBND tỉnh”, ông Vũ Kiên Cường thông tin thêm.
*Cần "phao" cứu làng chài
Mới đây, vào ngày 26/9, bè nổi Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên vịnh bị chìm xuống biển do trước đó đã xuống cấp trong thời gian dài. Khu Bảo tồn lớp học làng chài trên Vịnh Hạ Long là bè nổi có kiến trúc nhà gỗ hai phòng học, phao nổi được làm bằng các thùng phi. Trước đây, bè nổi này là nơi dạy học cho trẻ em là con của ngư dân hai làng chài Vung Viêng, Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long. Từ khi thành phố Hạ Long thực hiện di dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống, các lớp học trên không còn. Bè nổi trở thành Khu Bảo tồn lớp học làng chài phục vụ khách tham quan.
Được biết, năm 2014, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè của ngư dân làng chài giữ lại nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long sau khi cộng đồng ngư dân các làng chài di dời lên bờ sinh sống. Các nhà bè này được bố trí tại khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng. Đây là số nhà bè ngư dân để lại sau khi di dời lên bờ sinh sống theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, hệ thống nhà bè bảo tồn đã tạo thành tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo, tái hiện sinh động không gian văn hóa làng chài xưa, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch đến tham quan Vịnh Hạ Long như: Tham quan mô hình lớp học nổi; xem trình diễn hát giao duyên trên thực cảnh vịnh; tham quan kết hợp trải nghiệm chế tác, sửa chữa ngư cụ truyền thống...
Theo thời gian và do môi trường biển, nước mặn và thường xuyên chịu ảnh hưởng của sóng gió, các nhà bè làm từ gỗ, dựng trên hệ thống phao đã dần xuống cấp, có nguy cơ bị chìm, không đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.
Anh Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1969, người dân làng chài Vung Viêng trước đây) cho biết: Đã được di dời lên đất liền nhưng do nhiều năm gắn bó với nghề sông nước, khi lên bờ việc làm không ổn định, nhiều hộ dân lại trở lại với sông nước. Vợ chồng anh hiện tại lại quay về trông nom ngôi nhà đang được bảo tồn trên vịnh để nuôi cá. Tuy nhiên, nhà đã bàn giao cho cơ quan quản lý, ngư dân chỉ ra trông coi, không được ở và sửa chữa. Anh Quý mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách khôi phục lại làng chài như trước để người dân khu vực này có kế sinh nhai, vừa thu hút du khách và hơn nữa là giữ lại nét đẹp văn hóa độc đáo vốn có trên vịnh Hạ Long.
Cùng nguyện vọng với nhiều ngư dân, ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ vạn chài Hạ Long cho biết, hai làng chài Vung Viêng và Cửa Vạn thuộc tuyến 4 tham quan Vịnh Hạ Long, là điểm nhấn thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. Thời gian trước, du khách đến đông, tuy nhiên 3 năm trở lại đây thưa thớt.
Ông Phiến mong muốn các cơ quan chức năng có kế hoạch để bảo tồn, lưu giữ những làng chài này; đồng thời các ngôi nhà trên làng chài sẽ có sự đồng quản trị của người dân, chính quyền, doanh nghiệp, để làng chài có sự hiện diện của người dân, của cuộc sống, là ngôi nhà để ở. Đó cũng là yếu tố để bảo tồn, giữ gìn được làng chài, giữ được văn hóa, tập quán sự sống trên vịnh./.