"Thành xưa Phố cũ” sẽ đem đến cho du khách những hiểu biết về lịch sử Hà Nội, những dấu ấn kiến trúc cũng như sự giao thoa văn hóa của thành phố.
TTXVN - Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), sáng 6/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp tổ chức Triển lãm "Thành xưa Phố cũ” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, "Thành xưa Phố cũ” sẽ đem đến cho du khách những hiểu biết về lịch sử Hà Nội, những dấu ấn kiến trúc và sự giao thoa văn hóa của thành phố giai đoạn này để Hà Nội bước vào những chặng đường lịch sử hào hùng tiếp theo của mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 và mùa thu Giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, trong khối tư liệu đồ sộ, Ban Tổ chức đã lựa chọn, giới thiệu một phần các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu; chú trọng gắn kết mối liên hệ giữa việc thay đổi không gian thành Hà Nội với việc quy hoạch, mở rộng các khu phố mới và toàn thành phố Hà Nội. Giai đoạn phát triển này của Hà Nội có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính và bản sắc độc đáo của mình.
Mang đậm chất hoài cổ về Hà Nội và thông qua những tài liệu lưu trữ, nhất là khối tài liệu tiếng Pháp, Triển lãm đã nổi bật sự thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Với khoảng 150 tài liệu, hình ảnh được chia làm hai hai chủ đề: Thành bên phố; Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây, Triển lãm đã giới thiệu khái quát không gian của thành Hà Nội thời Nguyễn, những công trình mới được xây dựng tại khu vực thành Hà Nội cũng như các con phố mới được mở ra xung quanh. Triển lãm cũng cung cấp những tư liệu về quá trình quy hoạch của người Pháp tại Hà Nội, chính sách xây dựng công trình mới của người Pháp, chính sách xây dựng các khu phố Tây và quy hoạch lại các khu phố cũ.
Thành Hà Nội giữ vai trò trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của Tổng trấn Bắc thành, quản lý khu vực Bắc Bộ Việt Nam (1802 - 1831), rồi tỉnh Hà Nội (từ năm 1831) đến khi bước đầu có sự can thiệp của người Pháp (1873 và 1882), từng bước thay đổi diện mạo, không gian. Một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn của công trình kiến trúc Pháp như được giới thiệu chi tiết: Phủ Toàn quyền Đông Dương; Ga Hà Nội; Trường Albert Sarraut; Sở Tài chính Đông Dương; Sở Bưu điện Hà Nội; Tòa án Hà Nội; Tòa án Thành phố; Tòa Thống sứ Bắc Kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều tư liệu quý đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và nhiều đơn vị khác cũng được giới thiệu trong triển lãm, tiêu biểu là các tài liệu như: Bản đồ thành Hà Nội năm 1873; Sơ đồ thành Hà Nội năm 1831; Bản dụ của Vua Đồng Khánh; các Bản đồ Hà Nội 1902, 1915, 1936, 1942… Điều này cho thấy sự thay đổi của địa giới Hà Nội, trong quá trình, quy hoạch, mở rộng của người Pháp./.